Kết quả hoạt động của ngành Tư pháp Ninh Bình trong năm 2018

Cập nhật: Thứ hai, 24/12/2018

         Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2018; triển khai các Nghị quyết kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIV và Chương trình công tác số 185/QĐ-UBND ngày 18/01/2018 của UBND tỉnh Ninh Bình năm 2018; ngành Tư pháp đã chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các mặt công tác với các giải pháp phù hợp và hoàn thành cơ bản chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra theo Kế hoạch. Có được kết quả đó cho thấy sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên và phối hợp của các ngành với ngành Tư pháp ngày càng được tăng cường, chặt chẽ. Tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp đã được sắp xếp, kiện toàn để đảm bảo đáp ứng tối đa yêu cầu nhiệm vụ ngày một nhiều lên trong điều kiện biên chế hạn hẹp. Xây dựng, ban hành VBQPPL, hoàn thiện thể chế được chú trọng, quan tâm đầu tư cả về nhân lực, kinh phí dần đi vào chiều sâu đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước. Trong năm đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 04 văn bản chỉ đạo về xây dựng, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra VBQPPL. Trình UBND tỉnh  ban hành 01 văn bản thuộc lĩnh vực quản lý về xây dựng; tham gia ý kiến vào 55 dự thảo văn bản; thẩm định 77 dự thảo văn bản QPPL. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành 31 Quyết định và trình HĐND tỉnh ban hành 09 Nghị quyết. Tự kiểm tra 40 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh; kiểm tra theo thẩm quyền đối với 05 văn bản do HĐND, UBND cấp huyện ban hành. Trình UBND tỉnh ban hành quyết định công bố danh mục văn bản hết hiệu lực năm 2017. Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tập trung vào những vấn đề pháp luật thiết thực, tháo gỡ những khó khăn cản trở tạo điều kiện để doanh nghiệp vươn lên. Chỉ đạo rà soát cán bộ pháp chế của tỉnh, tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là việc phân tích chính sách trong đề nghị xây dựng VBQPPL cho cán bộ pháp chế, xây dựng pháp luật. Trong năm Sở đã tổ chức 08 hội nghị và tọa đàm với trên 800 lượt người tham dự, cung cấp 760 bộ tài liệu cho đại biểu.

Công tác PBGDPL thực hiện bằng nhiều hình thức, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thường xuyên được kiện toàn, nội dung tuyên truyền được xác định phù hợp với từng đối tượng góp phần vào nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Tham mưu UBND tỉnh ban hành 06 văn bản chỉ đạo công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh. Việc tổ chức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn tỉnh ngày một thiết thực, phối hợp giữa ngành Tư pháp với các ngành thành viên HĐPH đã giúp phổ biến pháp luật chuyên ngành thuận lợi đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, thu hút được nhiều đối tượng tham gia. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 150 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ pháp chế sở ngành, cán bộ Tư pháp cấp huyện. Trang bị 3.190 cuốn sách pháp luật cho tủ sách pháp luật của 145 xã, phường, thị trấn; cung cấp 1.700 cuốn tài liệu cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; xuất bản và phát hành 03 số Bản tin Tư pháp với nội dung thiết thực, đa dạng phản ánh hoạt động của ngành và tuyên truyền kịp thời VBQPPL mới. Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở là những lĩnh vực tác động trực tiếp tới nhận thức về pháp luật của người dân từ cơ sở góp phần giữ vững an ninh, trật tự ở địa phương được quan tâm triển khai tích cực. Củng cố và kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên. Toàn tỉnh hiện có 1.692 tổ hòa giải với 10.479 hòa giải viên, trong đó 399 người có trình độ chuyên môn Luật. Trong năm 2018, toàn tỉnh tiếp nhận 714 vụ việc hòa giải trong đó hoà giải thành 556 vụ (đạt 77,9%), hòa giải không thành 125 vụ, đang thực hiện 33 vụ.

Quản lý nhà nước về xử lý VPHC, TDTHPL được quan tâm, chú trọng, trong quá trình thực hiện thường xuyên phát sinh những khó khăn, vướng mắc, Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án giải quyết, xử lý một số vụ việc phức tạp phát sinh trong năm. Năm 2018, ngành Tư pháp triển khai TDTHPL với nhiều chuyên đề hơn so với những năm trước, đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về  xử lý VPHC, TDTHPL làm cơ sở định hướng hoạt động xuyên suốt trong năm. Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Báo cáo về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trong việc giải quyết các vụ án hành chính, thi hành án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về xử lý VPHC và công tác TDTHPL tại một số huyện, thành phố, xã, phường từ đó kiến nghị xử lý đối với những khuyết điểm phát hiện qua kiểm tra như: Hồ sơ chưa chặt chẽ, áp dụng mức phạt không có căn cứ, ban hành quyết định xử phạt không đúng thẩm quyền. Tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật xử lý VPHC, công tác TDTHPL với trên 220 người dân tham dự; mở lớp tập huấn về kỹ năng thi hành pháp luật xử lý VPHC với 185 cán bộ, công chức. Tiến hành khảo sát tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường, lao động, thương binh và xã hội, y tế; lý lịch tư pháp, xử lý VPHC tại các sở, ngành, UBND cấp huyện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua phiếu. Qua đó đã phân tích, đánh giá được tính khả thi của quy định, mức độ hài lòng của đối tượng khảo sát và những bất cập của các điều kiện kinh doanh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ và giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Lý lịch tư pháp, xử lý VPHC.

Công tác hành chính tư pháp cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như làm việc với Đoàn Thanh tra liên ngành trong lĩnh vực hộ tịch tại tỉnh Ninh Bình. Báo cáo về quản lý nhà nước lĩnh vực hộ tịch trên địa bàn tỉnh. UBND cấp huyện, cấp xã đăng ký khai sinh cho 17,190 trường hợp; đăng ký khai sinh lại cho 9,055 trường hợp; khai tử 4,667 trường hợp; đăng ký kết hôn 4,246 đôi; cải chính hộ tịch 76 trường hợp. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ chứng thực cho 206 công chức tư pháp cấp xã; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và hợp đồng giao dịch. Tiến hành kiểm tra công tác chứng thực tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, qua kiểm tra đã hướng dẫn nghiệp vụ và giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với công chức tham mưu về chứng thực. UBND cấp huyện và cấp xã trong tỉnh đã chứng thực 536,546 bản sao, 93,603 việc thu lệ phí 1.170.893.000 đồng. Hoàn thành thủ tục giao con nuôi có yếu tố nước ngoài cho 03 trường hợp, giải quyết nhận nuôi con nuôi trong nước 20 trường hợp. Thực hiện cấp 3,601 Phiếu Lý lịch tư pháp. Tiếp nhận 4,167 thông tin lý lịch tư pháp, lập 3,380 hồ sơ lý lịch tư pháp gửi Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia. Báo cáo đánh giá, tổng kết thực tiễn thi hành Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Phối hợp với Cục Bồi thường Nhà nước, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự cho cán bộ, công chức thực hiện. Làm việc với Đoàn Kiểm tra Bộ Tư pháp về triển khai công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp với số lượng công việc nhiều song Sở cũng đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Chương trình, Kế hoạch và tiến hành kiểm tra đối với đối tượng quản lý. Trong năm 2018, đã thực hiện khảo sát 580 người dân về hoạt động của luật sư. Các Văn phòng luật sư hoạt động bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật. Tổ chức 02 Hội nghị triển khai Luật Công chứng năm 2014 cho người dân và tập huấn nghiệp vụ công chứng cho công chứng viên và thư ký công chứng đang hành nghề trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra 04 Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp báo cáo tình hình tổ chức hoạt động của công tác giám định tư pháp và sử dụng kết quả giám định trong hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng trong tỉnh, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Luật Giám định tư pháp. Tiến hành khảo sát 600 người dân về hoạt động giám định Tư pháp tại các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp. Tổ chức 03 Hội nghị tuyên truyền Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn tại một số đơn vị  thuộc huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 305/QĐ-UBND ngày 07/02/2018 về việc đổi tên Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Ninh Bình thành Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Ninh Bình. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh ký kết 32 hợp đồng đấu giá, tổ chức đấu giá thành 17 cuộc, trong đó chênh lệch thu được chủ yếu từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất: 43.984.933.000 đồng.

Quản lý nhà nước về  trợ giúp pháp lý (TGPL) cũng được chú trọng, quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trong năm Sở đã tham mưu Hội đồng phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Bình kiện toàn tổ chức, tổng kết công tác phối hợp, ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại một số huyện và Trung tâm TGPL. Phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư về thực hiện TGPL của luật sư trên địa bàn tỉnh; trợ giúp pháp lý cho 339 trường hợp, chủ yếu các đối tượng là người có công, người nghèo, người dân dộc, người khuyết tật ốc hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Tổ chức tuyên truyền pháp luật về TGPL và các văn bản pháp luật mới ban hành tại 51 thôn, bản và 10 xã đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo Trung tâm TGPL tỉnh phối hợp với Phòng Tư pháp huyện, thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh và Hội người khuyết tật thực hiện TGPL tại 32 xã, thị trấn với 1.080 người tham gia, nội dung tuyên truyền pháp luật về TGPL, đối thoại trực tiếp về chính sách pháp luật và tư vấn pháp luật miễn phí cho phụ nữ, người khuyết tật và người dân ở cơ sở. Tỷ lệ người thuộc diện được TGPL trong tổng số dân cư của địa phương đạt khoảng 10-15%. 

Công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo sát sao. Trong năm, Sở tiếp 21 lượt người và 14 đơn khiếu nại, tố cáo. Chỉ đạo thực hiện 2 cuộc thanh tra, 4 cuộc kiểm tra về thực hiện nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Phòng Công chứng số 2, Văn phòng Công chứng, Văn phòng luật sư và kiểm tra công tác chứng thực, đăng ký hộ tịch, nuôi con nuôi. Qua công tác kiểm tra, Chánh Thanh tra Sở đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Văn phòng công chứng Tín Đức và công chứng viên vi phạm với số tiền phạt 4.000.000 đồng.

Công tác cải cách hành chính, thi đua khen thưởng, ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là ứng dụng phần mềm đã hỗ trợ tích cực trong chỉ đạo điều hành và triển khai nhiệm vụ trên Hệ thống Quản lý và điều hành Văn bản điện tử VNPT-iOffice, phần mềm kế toán, phần mềm hộ tịch được triển khai thực hiện đồng bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tích cực thực hiện, Sở đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tư pháp cho 206 công chức tư pháp cấp xã và cử 06 công chức, viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, 14 lượt viên chức tham gia tập huấn kỹ năng TGPL. Trên cơ sở đó đáp ứng được nhiệm vụ của ngành và địa phương giao phó, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, góp phần ổn định tình hình kinh tế, chính trị của tỉnh trong năm 2018./.

Văn phòng Sở

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
673115

Online 2

Hôm nay 190