Cần bổ sung các dự án luật rất cấp bách

Cập nhật: Thứ ba, 19/04/2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp tục bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án luật cấp bách; rà soát 97/137 nhiệm vụ lập pháp chưa hoàn thành, trong đó có 72/97 nhiệm vụ cần hoàn thành trong năm 2022. Tiếp tục rà soát sửa đổi những luật rất cấp bách như Luật Đấu giá tài sản, các Luật về thuế, một số luật trong lĩnh vực tư pháp…

Tiếp tục Phiên họp thứ 10, cuối tuần qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến thông qua 9 dự án và cho ý kiến 4 dự án; tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến thông qua 4 dự án đã được QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến 2 dự án.
Trong năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình với 17 dự án. Như vậy, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2022 sẽ là 27 dự án, tăng 14 dự án so với Chương trình đã được QH, UBTVQH thông qua. Đáng chú ý, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình QH.

Thẩm tra đề nghị của Chính phủ, UB Pháp luật của QH đánh giá, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, hiệu quả đạt được kết quả tích cực. Trách nhiệm của các chủ thể trong quy trình xây dựng luật tiếp tục được tăng cường; công tác phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời hơn.

Tuy nhiên, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế, bất cập tồn tại qua nhiều năm chưa được khắc phục triệt để, như một số hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản chưa đầy đủ các tài liệu, chưa bảo đảm chất lượng, chưa bảo đảm thời gian gửi theo đúng quy định; Chương trình phải điều chỉnh nhiều lần; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình, nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch.

Về đề nghị các dự án cụ thể trong Chương trình, qua nghiên cứu danh mục các dự án được đề nghị đưa vào Chương trình năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022, UB Pháp luật nhận thấy, các dự án được đề xuất đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu rà soát, xây dựng mới và được đề nghị đưa vào Chương trình đúng tiến độ (15/18 dự án) hoặc sớm hơn tiến độ (03/18 dự án) được đề ra trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15.
Riêng về đề nghị lùi thời điểm trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Chính phủ không đề xuất thời hạn lùi cụ thể. UB Pháp luật và UB Kinh tế cho rằng, đây là dự án Luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào Chương trình từ Kỳ họp thứ 7 QH khóa XIV (tháng 5/2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần, lần này là đề nghị điều chỉnh thứ tư. Do đó, các cơ quan của QH đề nghị chỉ nên lùi 1 kỳ để trình QH cho ý kiến về dự án Luật này tại Kỳ họp thứ 4 và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp như QH đã quyết định.
Dứt khoát không trình những dự án luật chưa đủ điều kiện

Cơ bản đồng tình với Báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhấn mạnh kinh nghiệm dự án nào làm kỹ, tuân thủ quy trình, quy phạm thì chất lượng tốt. Chủ tịch QH lưu ý trách nhiệm các cơ quan của QH với vai trò “gác cửa” cho QH kiên quyết, dứt khoát không trình những dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục, hồ sơ. Chủ tịch QH nêu rõ, phải nghiêm túc hơn nữa trong việc thực hiện các quy định về pháp luật, đã cố gắng rồi phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, nghiêm túc rồi phải nghiêm túc hơn nữa.

Giải trình thêm tại Phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long xin cảm ơn và tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý. Mong muốn tiếp tục phát huy cách làm đổi mới, linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu cuộc sống trong xây dựng Chương trình lần này, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị, những dự án Luật còn có ý kiến khác nhau sau khi được cơ quan có thẩm quyền kết luận thì cho phép báo cáo Thường vụ tại phiên họp tháng 5 và Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các dự án này.

Thông tin thêm về một số dự án trong Chương trình 2022 và 2023, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho biết, Bộ đã nghiên cứu về Luật Đấu giá tài sản, trong đó sẽ giải quyết một số vướng mắc về thủ tục, đảm bảo xử lý chặt chẽ, đồng bộ với các Luật khác, với các Bộ khác như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính cũng như cân nhắc thật kỹ là sẽ nâng tiền đặt cọc đến mức nào để không thay đổi bản chất của hoạt động đấu giá, không loại bỏ người tham gia đấu giá. Ngoài ra, Bộ cũng cố gắng hoàn chỉnh thủ tục để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp là Kỳ tháng 5/2023.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định ghi nhận nhiều điểm đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật nói chung, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề mới, khó, cấp bách đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Về điều chỉnh Chương trình 2022, với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), UBTVQH đồng ý lùi thời điểm trình 1 kỳ họp từ Kỳ họp thứ 3 sang Kỳ họp thứ 4 và xem xét vào Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6. Ngoài ra, UBTVQH chưa đồng ý bổ sung dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) vào Chương trình 2022 vì còn nhiều nội dung chính sách chưa được làm rõ, đề nghị Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng, thấu đáo, khả thi hơn để trình UBTVQH xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình.
Đặc biệt, UBTVQH yêu cầu tiếp tục bổ sung vào Chương trình các dự án luật cấp bách, rà soát 97/137 nhiệm vụ lập pháp chưa hoàn thành, trong đó có 72/97 nhiệm vụ cần hoàn thành trong năm 2022. Tiếp tục rà soát sửa đổi những luật rất cấp bách như Luật các tổ chức tín dụng, Luật Đấu giá tài sản, các Luật về thuế, một số luật trong lĩnh vực tư pháp…/.

Trích Nguồn: https://moj.gov.vn

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
672850

Online 3

Hôm nay 2407