Kết quả thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017- 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Cập nhật: Thứ tư, 11/08/2021

Sau 05 năm thực hiện Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017 – 2021, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực

Thực hiện Quyết định 1137/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 về kế hoạch thực hiện Chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong 05 năm qua, công tác PBGDPL đã được triển khai sâu rộng, toàn diện; huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị tham gia, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để thực hiện; cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL. Tỉnh đã tổ chức được  19.296  cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp cho 1.337.228 lượt người tham gia; 32 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút 414.103 lượt người tham gia; biên soạn và phát hành miễn phí 3.809.359 tài liệu PBGDPL; xây dựng 1.423 chuyên trang, chuyên mục và 27.490 tin bài phát trên phương tiện thông tin đại chúng, 107.167 lần phát sóng chương trình PBGDPL trên đài truyền thanh xã.

Nội dung, hình thức PBGDPL cũng đã đổi mới, đa dạng, phù hợp yêu cầu thực tiễn và các đối tượng, địa bàn khác nhau. Cùng với việc PBGDPL bằng nhiều hình thức truyền thống theo quy định của Luật PBGDPL một số cơ quan, đơn vị đã có hình thức tuyên truyền sáng tạo, hiệu quả, hướng mạnh hoạt động PBGDPL về cơ sở, như: Kết hợp các hình thức PBGDPL và trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí đến tận thôn, xóm, tổ dân phố; đưa pháp luật về vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi, ven biển, các trường học, trại giam thông qua mô hình “Xe thư viện đa phương tiện” nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của nhân dân về các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, xã hội, y tế, thể thao... Tổ chức các hình thức “Đối thoại chính sách, pháp luật” giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội với người dân; nói chuyện chuyên đề, diễn đàn giao lưu theo các chuyên đề. Đưa việc học tập pháp luật vào chương trình giáo dục chính trị toàn quân, lồng nghép trong thời gian sinh hoạt chính trị - thời sự, sinh hoạt các tổ chức đoàn thể, duy trì mô hình “Mỗi tuần một điều luật” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh. Lồng ghép công tác tuyên truyền gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;  phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, trưng bày các đầu sách pháp luật tại thư viện tỉnh phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của bạn đọc; lồng ghép phổ biến pháp luật tại các buổi chiếu phim lưu động và các hoạt động thực thi công vụ của cơ quan, đơn vị. Từ năm 2017 đến nay, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 3.776 vụ việchòa giải thành: 3.050 vụ việc (đạt 80%). Đặc biệt từ năm 2019, UBND tỉnh chỉ đạo, giao Sở Tư pháp phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông xây dựng, vận hành Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động từ ngày 09/11/2020. Đến nay Trang đã đăng tải 408 tin, bài, ảnh và gần 100 tài liệu các loại hướng dẫn công tác PBGDPL, sổ tay pháp luật, tờ rơi, tờ gấp... thu hút hơn 44.415 lượt truy cập. Việc PBGDPL trên Cổng/Trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội chính thống, là một hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phát huy hiệu quả tối ưu trong thời đại công nghệ 4.0 và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.  

Trong thời gian tới, thông qua việc tổng kết đánh giá hiệu quả Chương trình trong giai đoạn 2017-2021, sẽ đề ra phương hướng, nhiệm vụ để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả Chương trình trong giai đoạn mới gắn với việc cụ thể hóa các nội dung của Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, trong đó phải đặc biệt quan tâm đến công tác PBGDPL trong nhà trường, tại các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật, PBGDPL cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp, cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ.

M.H

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
717753

Online 2

Hôm nay 302