MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, ĐẠI BIỂU HĐND

Cập nhật: Thứ tư, 20/01/2016

 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25-6-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015, Luật  gồm 10 chương, với 98 điều. Theo đó, việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, so với quy định trước đây, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2015 có một số nội dung cơ bản  đáng lưu ý như sau:

 

Theo quy định của pháp luật trước đây, quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ... thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, luật mới đã quy định quyền này thuộc về Quốc hội. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 4 của Luật quy định: Quốc hội quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia. Luật cũng quy định rõ: Ngày bầu cử phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Thực hiện khoản 1, Điều 4 của Luật, ngày 24/11/2015 Quôc hội  đã thảo luận và biểu quyết thông qua Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc quyết định Ngày bầu cử, thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia. Ngày 15/01/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lễ công bố  ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016- 2020 là ngày chủ nhật 22/5/2016.

 

Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu được quy định tại Chương II của Luật. Một trong những nội dung quan trọng của Luật đó là mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất ba đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương. Số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là năm trăm người; Luật quy định tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Một điểm rất mới được nhấn mạnh, là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.

 

Về Hội đồng bầu cử quốc gia, tại kỳ họp thứ X, Quốc hội khóa XIII, Quôc hội đã thành lập Hội đồng bầu cử Quốc gia và bầu đồng chí Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Hội đồng. Hội đồng bầu cử Quôc gia  hoạt động theo nguyên tắc chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Nhiệm vụ, quyền hạn chung của Hội đồng bầu cử quốc gia, cụ thể: Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành pháp luật về bầu cử; quy định mẫu hồ sơ ứng cử, mẫu thẻ cử tri, mẫu phiếu bầu cử, nội quy phòng bỏ phiếu, các mẫu văn bản khác sử dụng trong công tác bầu cử.

 

Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương bao gồm: Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử. Mỗi tổ chức có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, hoạt động theo cơ cấu tổ chức riêng.

 

Danh sách cử tri được lập theo đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền (UBND cấp xã, UBND cấp huyện, Chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân), đúng thủ tục niêm yết (chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra)…

 

Công dân có thể ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải nộp hồ sơ ứng cử bao gồm các giấy tờ quy định cụ thể chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử và phải tuân theo đúng trình tự, thủ tục luật định. Những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân bao gồm: Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang bị khởi tố bị can; người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án; người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích; người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

 

Vấn đề hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội được quy định cụ thể theo trình tự, thủ tục theo luật. Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải lập và công bố trong một khoảng thời gian đúng quy định và Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách chính thức ở khu vực bỏ phiếu chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử.

Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử, các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ cụ thể tương ứng. Việc vận động bầu cử của người ứng cử có thể theo hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

 

Việc bỏ phiếu phải đảm bảo đúng nguyên tắc theo luật định. Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải thường xuyên thông báo cho cử tri biết ngày bầu cử, nơi bỏ phiếu, thời gian bỏ phiếu bằng hình thức niêm yết, phát thanh và các phương tiện thông tin đại chúng khác của địa phương. Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

 

Việc kiểm phiếu phải được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc. Sau khi nhận, kiểm tra biên bản kết quả kiểm phiếu của các Tổ bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo (nếu có), Ban bầu cử lập biên bản xác định kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử của mình. Ngoài ra còn có trường hợp bầu cử thêm, bầu cử lại cũng được luật quy định rất cụ thể. Cuối cùng là tổng kết cuộc bầu cử trong đó có các bước về công bố kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử; giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử; xác nhận tư cách của người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Trường hợp bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân khi đáp ứng điều kiện tại Điều 89 Luật này và cũng tuân thủ các bước về tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung; danh sách cử tri; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử; kết quả bầu cử bổ sung… ./

 

                              Phòng PBGDPL

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
729388

Online 2

Hôm nay 51