Một số văn bản quan trọng có hiệu lực trong tháng 4 năm 2020

Cập nhật: Thứ tư, 22/04/2020

1. Từ 01/4/2020, người thuê nhà ở công vụ cho mượn nhà sẽ không bị phạt tiền

 

Ngày 17/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; có hiệu lực từ ngày 01/4/2020. Theo đó, người được thuê, thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thực hiện chuyển đổi, bán, cho thuê lại nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định bị phạt từ 50 - 60 triệu đồng, còn hành vi cho mượn nhà ở không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định không bị phạt tiền nữa.

 

2. Thí điểm quản lý lao động, tiền lương tại 03 Tập đoàn, Tổng công ty

 

Ngày 17/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2020/NĐ-CP về việc thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước; có hiệu lực từ ngày 01/4/2020. Theo đó, thí điểm về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng năm 2020 tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam như sau:

 

Các công ty phải xây dựng kế hoạch lao động làm cơ sở để tuyển dụng lao động. Đối với trường hợp tuyển dụng lao động vượt quá nhu cầu sử dụng, dẫn đến dư thừa phải chấm dứt hợp đồng lao động, làm tăng chi phí của công ty thì Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm (kể cả việc giảm trừ tiền lương, tiền thưởng) trước Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị của công ty.

 

Đáng chú ý, Chính phủ quy định mức lương cơ bản của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị của công ty loại 1 là 70 triệu đồng/tháng; Thành viên Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, Trưởng ban kiểm soát là 60 triệu đồng/tháng; Kiểm soát viên là 50 triệu đồng/tháng. Trong đó, công ty loại 1 phải có vốn chủ sở hữu từ 10.000 tỷ đồng trở lên; doanh thu từ 30.000 tỷ đồng trở lên và có 10 đầu mối quản lý hoặc tổng số lao động sử dụng từ 5.000 người trở lên.

 

3. Có thể bị trục xuất nếu xuất bản sản phẩm không thể hiện đúng biên giới quốc gia

 

Ngày 11/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 18/2020/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; có hiệu lực từ ngày 01/4/2020. Theo đó, Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với hành vi trao đổi quốc tế, xuất nhập khẩu thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia theo quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ. Ngoài việc phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm trong trường hợp này còn có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam. Sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ đã xuất bản sẽ bị tịch thu và số tiền thu được từ sản phẩm này phải nộp lại cho ngân sách Nhà nước.

 

4. Cước đặt xe qua phần mềm chỉ được tính theo quãng đường trên bản đồ số

 

Ngày 17/01/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, có hiệu lực từ ngày 01/4/2020. Theo đó, điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi yêu cầu trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến. Tiền cước chuyến đi chỉ được tính theo quãng đường được xác định trên bản đồ số. Kết thúc chuyến đi, doanh nghiệp sử dụng phần mềm tính tiền phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi cho khách, đồng thời gửi về cơ quan Thuế.

 

5. Ba đối tượng được hưởng trợ cấp khi thôi công tác Hội Cựu chiến binh

 

Ngày 25/02/2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 03/2020/TT-BLĐTBXH về việc hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với Cựu chiến binh theo quy định tại Nghị định 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 150/2016/NĐ-CP ngày 12/12/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Cựu chiến binh, có hiệu lực từ ngày 01/4/2020. Theo đó, trợ cấp thôi công tác Hội đối với cựu chiến binh được bầu cử, tuyển dụng tham gia công tác tại cơ quan Hội Cựu chiến binh và Cựu chiến binh là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã được tính như sau: Mỗi năm tham gia công tác Hội được hưởng trợ cấp 01 lần bằng ½ tháng lương hiện hưởng. Đối với cựu chiến binh là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh cấp xã, mức trợ cấp này được tính bằng ½ tháng phụ cấp hiện hưởng. Thời gian tính số năm công tác hưởng trợ cấp một lần là tổng thời gian từ khi có quyết định tham gia Hội đến khi có quyết định thôi công tác.

 

6. Mỗi hộ nghèo được miễn cước cho 01 thuê bao điện thoại cố định

 

Ngày 14/02/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 02/2020/TT-BTTTT về việc quy định danh mục, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, chất lượng, giá cước tối đa dịch vụ viễn thông công ích và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020, có hiệu lực từ ngày 01/4/2020. Theo đó, đối tượng được hưởng mức giá cước dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định trả sau là 0 đồng/tháng/thuê bao phải là hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Ngoài ra, các hộ này còn phải đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông công ích điện thoại cố định mặt đất trả sau và chưa đăng ký nhận hỗ trợ hoặc đã đăng ký ngừng nhận hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích di động trả sau. Mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo chỉ được hưởng hỗ trợ với 01 thuê bao điện thoại của duy nhất 01 doanh nghiệp viễn thông.

 

7. Hợp tác xã quy mô siêu nhỏ nếu có dưới 50 thành viên

 

Ngày 19/02/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã (HTX), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2020. Thông tư hướng dẫn phân loại và đánh giá HTX, liên hợp tác xã hoạt động trong tất cả các ngành, lĩnh vực nền kinh tế. Căn cứ vào số lượng thành viên, HTX được phân thành: HTX quy mô thành viên siêu nhỏ nếu có dưới 50 thành viên; HTX quy mô thành viên nhỏ nếu có từ 50 đến 300 thành viên; HTX quy mô thành viên vừa nếu có từ trên 300 đến 1.000 thành viên. Trường hợp có từ trên 1.000 thành viên được phân thành HTX quy mô lớn.

 

8. Không được khai thác cát, sỏi lòng sông vào ban đêm

 

Đây là nội dung phải quy định trong Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được Chính phủ thông qua tại Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, có hiệu lực từ ngày 10/4/2020. Cụ thể, Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông phải quy định thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm; quy định về thời gian khai thác trong năm.

 

9. Trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng bị phạt đến 75 triệu đồng

 

Ngày 01/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. Theo đó, người sử dụng lao động có trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ sẽ bị phạt từ từ 20-30 triệu đồng nếu vi phạm với 01-10 người lao động; 30-50 triệu đồng nếu vi phạm từ 11-50 người; 50-75 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 người trở lên. Ngoài ra, hành vi không công bố công khai bảng lương, thang lương, thay đổi hình thức trả lương mà không báo trước cho người lao động 10 ngày… của người sử dụng lao động cũng sẽ bị phạt từ 02-05 triệu đồng.

 

10. Gửi bưu phẩm có văn hóa phẩm đồi trụy bị phạt đến 30 triệu đồng

 

Ngày 03/02/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. Theo đó, hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát bưu gửi chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức cũng có thể bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng nếu gửi, chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa: vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước cấm xuất khẩu/nhập khẩu; vật phẩm, hàng hóa cấm sử dụng hoặc cấm lưu thông; vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính.

 

11. Phải xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế trước ít nhất 30 ngày

 

Ngày 21/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 06/2020/QĐ-TTg về việc tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam; có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. Cụ thể, đơn vị tổ chức gửi đầy đủ hồ sơ xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế cho cơ quan của người có thẩm quyền ít nhất 40 ngày đối với hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ít nhất 30 ngày đối với hội nghị, hội thảo quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của người có thẩm quyền.

 

12. Ba loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình

 

Ngày 08/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020. Theo đó, một liều thuốc dùng cho thi hành án tử hình gồm 03 loại thuốc, cụ thể: Thuốc làm mất tri giác; thuốc làm liệt hệ vận động; thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Các loại thuốc này phải được Hội đồng thi hành án tử hình kiểm tra, mở niêm phong và lập biên bản theo quy định.

 

13. Giá 01 bộ hồ sơ mời thầu trong nước không quá 20 triệu đồng

 

Đây là nội dung được Chính phủ ban hành tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; có hiệu lực từ ngày 20/4/2020. Theo đó, đối với đấu thầu trong nước, mức giá bán (bao gồm cả thuế) của một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không quá 20 triệu đồng; hồ sơ mời sơ tuyển không quá 05 triệu đồng. Đối với đấu thầu quốc tế, mức giá bán (bao gồm cả thuế) của một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không quá 30 triệu đồng; hồ sơ mời sơ tuyển không quá 10 triệu đồng.

 

14. Lời chứng phải ghi ngay phía dưới chữ ký được chứng thực

 

Ngày 03/3/2020, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-BTP về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; có hiệu lực từ ngày 20/4/2020. Theo đó, lời chứng phải ghi ngay phía dưới chữ ký được chứng thực hoặc trang liền sau của trang giấy tờ, văn bản có chữ ký được chứng thực. Trường hợp lời chứng được ghi tại tờ liền sau của trang có chữ ký thì phải đóng dấu giáp lai giữa giấy tờ, văn bản chứng thực chữ ký và trang ghi lời chứng. Trường hợp giấy tờ, văn bản có nhiều người ký thì phải chứng thực chữ ký của tất cả những người đã ký trong giấy tờ, văn bản đó.

 

Thu Hồng

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
716770

Online 4

Hôm nay 1372