Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Cập nhật: Thứ tư, 08/04/2020

Trong những năm qua, thực hiện các Chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả đưa Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật vào cuộc sống.

 

Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật. Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đổi mới với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được quan tâm hơn như việc khai thác, sử dụng các cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật qua các cổng thông tin, trang thông tin điện tử; đối thoại, giải đáp vướng mắc pháp luật trực tuyến; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn trực tuyến; tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật; sử dụng mạng xã hội qua ứng dụng facebook, fanpage... Nhờ vậy, đã giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuậnlợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận với thông tin về pháp luật; khai thác, sử dụng pháp luật để thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người dân.

 

Việc tăng cường PBGDPL qua trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương và trang mạng xã hội được quan tâm đúng mức. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương như Hội Phụ nữ, Tỉnh đoàn, Sở Tư pháp, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, các huyện, thành phố tăng cường giới thiệu văn bản pháp luật mới thông qua hoạt động của trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương; xây dựng mô hình “Mỗi tuần một điều luật trên Website”; tuyên truyền qua trang mạng xã hội zalo, facbook, phối hợp với Chi nhánh Viettel gửi tin nhắn cho các thuê bao nội mạng tuyên truyền giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm… Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin đạt kết quả thiết thực, đưa pháp luật vào cuộc sống.

 

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật nói riêng cũng bộc lộ tồn tại, hạn chế như một số, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, tổ chức chậm đổi mới trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chậm được đổi mới, còn dàn trải, chưa sát với đặc điểm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và nhu cầu thông tin về pháp luật của người dân, doanh nghiệp... Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chậm; chưa tận dụng triệt để thành tựu của công nghệ thông tin, kỹ thuật số để kết nối, khai thác, chia sẻ thông tin và khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên môi trường mạng, gây lãng phí nguồn lực đầu tư cho công tác này.

 

Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương bám sát chương trình nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của Hội đồng Phối hợp Trung ương và của tỉnh, tập trung tổ chức triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp trong công tác PBGDPL. Tăng cường các chuyên trang, chuyên mục pháp luật trên Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động PBGDPL theo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 -2021” của Thủ tướng Chính phủ.

 

Tăng cường triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật qua ứng dụng mạng xã hội, công nghệ viễn thông, thông tin như facebook, zalo, youtube và các mạng xã hội khác…; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các diễn đàn giao lưu trực tuyến về chính sách pháp luật; xây dựng phần mềm ứng dụng phổ biến, giáo dục pháp luật trên điện thoại. Tăng cường, khuyến khích nhân dân tra cứu thông tin pháp luật trên các kênh truyền hình pháp luật; các diễn đàn trực tuyến, nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân. Thực hiện tốt việc quản lý, khai thác, vận hành các cổng hoặc trang thông tin điện tử để phổ biến, giáo dục pháp luật. Đẩy mạnh công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT trong tuyên truyền PBGDPL cho đội ngũ cán bộ tư pháp, tuyên truyền viên pháp luật cơ sở, giúp đội ngũ này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Trần Dũng

(Cộng tác viên Báo Ninh Bình)

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
674377

Online 9

Hôm nay 1452