Ứng dụng CNTT để đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật: Cách làm hiệu quả từ một cuộc thi

Cập nhật: Thứ hai, 16/08/2021

Có thể khẳng định cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND" do Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp Văn phòng Quốc hội tổ chức, phát động trên toàn quốc đã thành công tốt đẹp, có sức lan tỏa và tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội; là một điểm nhấn quan trọng trong đợt cao điểm tuyên truyền về bầu cử, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ứng dụng CNTT để đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật: Cách làm hiệu quả từ một cuộc thi

Ban tổ chức trao giải cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc tại cuộc thi.

Sở Tư pháp- cơ quan thường thực Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh vừa tổ chức tổng kết cuộc thi trên địa bàn tỉnh. Mặc dù chỉ được tổ chức trong thời gian ngắn và do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19, nhưng Cuộc thi đã thu hút đông đảo sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân. Tham gia Cuộc thi, các thí sinh hiểu biết hơn về mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân, góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh.

Hưởng ứng Cuộc thi, Sở Tư pháp đã tham mưu Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức triển khai phát động Cuộc thi trên phạm vi toàn tỉnh. Kết quả: Ninh Bình là một trong 4 tỉnh, thành phố trên cả nước có số lượng người dự thi đông nhất với hơn 50.000 lượt người dự thi; là tỉnh đạt nhiều giải thưởng nhất Cuộc thi toàn quốc với 17/36 giải, chiếm gần 50% số giải thưởng toàn quốc. 

Cảm nhận về cuộc thi chị Hà Thị Kim Liên, Trưởng phòng Tư pháp thành phố Ninh Bình cho biết: Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân" được tổ chức rất kịp thời, phù hợp. Nội dung các câu hỏi được Ban Tổ chức lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung cốt lõi của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân và văn bản pháp luật có liên quan, đó là những kiến thức cơ bản về lịch sử của Quốc hội; quyền, nghĩa vụ của cử tri; các nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn người đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Với nội dung phong phú và thú vị, Cuộc thi  đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia.

Dư  âm, ấn tượng, hiệu quả của cuộc thi  được các đại biểu thảo luận và ghi nhận tại hội nghị tổng kết cuộc thi.  Là một giáo viên đang giảng dạy tại Trường THPT Ninh Bình- Bạc Liêu, cô giáo Nguyễn Thị Hà tâm sự: Tôi nhận thức sâu sắc rằng tham gia cuộc thi không chỉ là so tài kiến thức, giành giải thưởng mà là cơ hội để bản thân trau dồi kiến thức, tìm hiểu các quy định pháp luật về bầu cử, để xác định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bỏ phiếu để bầu ra đại biểu tiêu biểu, xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp. 

Tôi đã đầù tư, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung, thể lệ Cuộc thi, các quy định pháp luật về bầu cử, Hiến pháp, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015; từ đó lựa chọn phương án trả lời chính xác và tôi đã may mắn được Ban tổ chức cuộc thi trao giải thưởng. Từ việc tham gia Cuộc thi, nhận thức pháp luật về bầu cử, chính sách pháp luật của Nhà nước của tôi được củng cố, từ đó giúp bản thân tôi thực hiện tròn trách nhiệm của người công dân trong việc thực hiện quyền bầu cử trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua.

Tham luận tại buổi tổng kết cuộc thi, Thượng tá Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chủ nhiệm chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nêu rõ: Điểm nhấn, cách làm sáng tạo của Bộ CHQS tỉnh khi triển khai Cuộc thi là Hội đồng Phối hợp PBGDPL Bộ CHQS tỉnh đã đưa cuộc thi bổ sung vào mô hình "Mỗi tuần 1 điều luật"; cung cấp  những tư liệu tham khảo liên quan để định hướng nội dung trả lời câu hỏi, giúp  cán bộ, chiến sĩ nắm chắc về Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, từ đó trả lời chính xác nhất các câu hỏi Cuộc thi. 

Bên cạnh đó, để cuộc thi đạt hiệu quả cao, mỗi cơ quan, đơn vị trong Bộ CHQS tỉnh đã lập một nhóm Zalo về Cuộc thi có đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn/Phòng Chính trị tham gia. Sau mỗi lần tham gia, người dự thi chụp ảnh màn hình điện thoại (hình ảnh được Ban Tổ chức Cuộc thi công nhận đã hoàn thành bài thi gửi vào nhóm Zalo của cơ quan, đơn vị. Nhờ vậy, Bộ CHQS tỉnh nắm chắc được kết quả tham gia cuộc thi của từng cơ quan, đơn vị; chỉ huy các cấp kịp thời biểu dương, đôn đốc, chấn chỉnh việc tham gia cuộc thi của quân nhân thuộc quyền. Bộ CHQS tỉnh đã thực hiện tốt Cuộc thi với tỷ lệ quân số tham gia cao, đạt tỷ lệ 95%…

Đối với huyện Kim Sơn, toàn huyện đã có 9.517 người dự thi, các thí sinh dự thi đều hoàn thành và trả lời đúng 19 câu hỏi trắc nghiệm của Ban Tổ chức. Kết quả, Kim Sơn có  5 thí sinh đạt giải gồm 2 giải Ba và 3 giải Khuyến khích. 

Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu để tham gia cuộc thi đã giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân Kim Sơn và đặc biệt là những cử tri lần đầu tham gia bầu cử nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa của Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp,  cũng như trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia bầu cử.

Cuộc thi thực sự có sức lan tỏa, là dịp phổ biến sâu rộng ý nghĩa, nội dung các quy định pháp luật về bầu cử đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, góp phần đưa tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử đạt tỷ lệ 99,27%. Kết quả, với việc nhiều người tham gia cuộc thi đã giúp Ban chỉ đạo, Tổ bầu cử các xã, thị trấn giảm bớt thời gian hướng dẫn cử tri tham gia bầu cử. Số phiếu bầu hợp lệ đạt tỷ lệ cao.

Nhìn lại cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND" diễn ra trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang chung tay phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì Cuộc thi trực tuyến là phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, phù hợp, thuận tiện nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.

Đồng thời, việc với ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là chủ trương đúng đắn và cách làm mới, sáng tạo nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần để việc tuyên  truyền pháp luật ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

                                                                                                      Trích nguồn: https://baoninhbinh.org.vn/

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
672495

Online 15

Hôm nay 2052