Quy định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Cập nhật: Thứ năm, 21/01/2021

Ngày 15/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2021, thay thế  Nghị định số 103/2008/NĐ-CPNghị định số 214/2013/NĐ-CP.

Theo đó, có một số quy định mới về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới như sau:

 1. Quy định về việc cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử

Từ 01/3/2021, cá nhân mua bảo hiểm bắt buộc có thể được cấp Giấy chứng nhận điện tử. Người tham gia giao thông phải luôn mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm còn hiệu lực (bản cứng hoặc bản điện tử) khi tham gia giao thông, xuất trình giấy tờ này khi có yêu cầu của lực lượng Cảnh sát giao thông và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật (khoản 4, Điều 6 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP).

2. Tăng phí bảo hiểm tối đa đến 15%

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định căn cứ vào lịch sử tai nạn của từng xe cơ giới và năng lực chấp nhận rủi ro của mình, doanh nghiệp bảo hiểm chủ động xem xét, điều chỉnh tăng phí bảo hiểm; mức tăng phí bảo hiểm tối đa là 15% tính trên phí bảo hiểm do Bộ Tài chính quy định. 

Về mức trách nhiệm bảo hiểm, Nghị định quy định: Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại.

Căn cứ chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản, Bộ Tài chính quy định mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

3. Thời hạn bảo hiểm kéo dài tối đa 03 năm

Khoản 1 Điều 9 Nghị định 03/2021/NĐ-CP thì thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm được quy định:

- Đối với xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 01 năm và tối đa là 03 năm.

- Đối với các xe cơ giới còn lại, thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 01 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 01 năm.

Nghị định cũng quy định một số trường hợp, thời hạn bảo hiểm dưới 01 năm.

(Theo Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là 01 năm hoặc dưới 01 năm trong một số trường hợp).

4. Mức bồi thường bảo hiểm

Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Khoản 2 Điều 14 Nghị định 03/2021/NĐ-CP quy định “trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, cụ thể:

- Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

+ 70% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong.

+ 50% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

- Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại:

+ 30% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định trường hợp tử vong.

+ 10% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu.

5. Các trường hợp không được bảo hiểm bồi thường

Nghị định quy định một số trường hợp, có thiệt hại xảy ra, nhưng doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại, gồm:

- Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc người bị thiệt hại;

- Người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy nhưng đã thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì không thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm;

- Người lái xe chưa đủ độ tuổi hoặc quá độ tuổi điều khiển xe cơ giới theo quy định pháp luật về giao thông đường bộ; người lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không hợp lệ (có số phôi ghi ở mặt sau không trùng với số phôi được cấp mới nhất trong hệ thống thông tin quản lý Giấy phép lái xe) hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa hoặc sử dụng Giấy phép lái xe hết hạn sử dụng tại thời điểm xảy ra tai nạn hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không phù hợp đối với xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp người lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc bị thu hồi Giấy phép lái xe thì được coi là không có Giấy phép lái xe;

- Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp bao gồm: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại;

- Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật;

- Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn;

- Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt;

- Chiến tranh, khủng bố, động đất.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định theo hướng tinh giản hơn các giấy tờ trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm (Điều 15, Nghị định 03/2021/NĐ-CP).

Chi tiết xem tại: Nghị định số 03/2021/NĐ-CP

 H.M

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
672113

Online 1

Hôm nay 1670