Một số khó khăn, vướng mắc về thể chế pháp luật hiện hành từ thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương

Cập nhật: Thứ hai, 20/04/2020

Từ thực tiễn áp dụng và tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương, Sở Tư pháp xin nêu lên một số vướng mắc, hạn chế trong các quy định của pháp luật gây khó khăn cho việc xây dựng cơ chế chính sách tại địa phương và áp dụng triển khai thực hiện, cụ thể như sau:

 

1. Bất cập trong quy định về đặt tên doanh nghiệp

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì một trong những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp là đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 42 của Luật Doanh nghiệp. Tại điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì một trong các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký là tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó. Quy định này sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây lúng túng cho nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý, dẫn đến sự từ chối “tùy tiện” của cơ quan quản lý trong cấp đăng ký doanh nghiệp, cản trở quyền tự do thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư.

 

2. Chưa đảm bảo tính thống nhất trong quy định về thời điểm cập nhật dự toán giá gói thầu và quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp

 

a) Tại điểm a khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết, quy định này sẽ được hiểu là giá gói thầu có thể được cập nhật trong thời hạn 27 hoặc 26 ngày hoặc ít hơn nữa và không bắt buộc. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 68/2019/NĐ-CP quy định “... chủ đầu tư phải tổ chức cập nhật giá gói thầu xây dựng theo mặt bằng giá ở thời điểm 28 ngày trước ngày mở thầu”, quy định này sẽ được hiểu là chủ đầu tư bắt buộc phải thực hiện cập nhật giá gói thầu và thời gian cập nhật giá gói thầu phải đúng thời điểm 28 ngày không được sớm hơn như quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 35 Luật Đấu thầu năm 2013. Quy định không thống nhất trên đã gây khó khăn cho việc hướng dẫn thời điểm các chủ đầu tư thực hiện nội dung cập nhật giá gói thầu.

 

b) Quy định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 chưa đảm bảo tính thống nhất với Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2019 và Luật Xây dựng năm 2014, cụ thể như:

 

- Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2019 thì tất cả các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước đều phải trình UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ thì “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phù hợp với nội dung báo cáo đầu tư, mở rộng cụm công nghiệp, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt và không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư”. Quy định này chưa thống nhất với quy định của Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2019 gây khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện.

 

- Tại khoản 2 Điều 23 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ quy định “Các công trình xây dựng trong cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và được thẩm định thiết kế thì được miễn giấy phép xây dựng”, tuy nhiên tại điểm đ khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 quy định “Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng” thì  được miễn giấy phép xây dựng. Các quy định trên không đảm bảo tính thống nhất, do vậy trong quá trình triển khai thực hiện, các công trình xây dựng trong cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và được thẩm định thiết kế vẫn phải thực hiệc thủ tục cấp Giấy phép xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014.

 

3. Vướng mắc trong quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tại Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ

 

Tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ quy định: “Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, không kể dầu thô và khí thiên nhiên, khí than là khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% để hỗ trợ cho công tác bảo vệ và đầu tư cho môi trường tại địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Ngân sách nhà nước”; đồng thời tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 Chính phủ, quy định: “Nơi có hoạt động khai thác khoáng sản quy định tại khoản này là nơi thực tế diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản và các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động khai thác khoáng sản theo địa bàn quản lý của cấp xã và cấp huyện”. Do đó, trong quá trình thực hiện, số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phát sinh trên địa bàn của mỗi xã là khác nhau, nên xét riêng từng xã, số thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản so với số chi cho công tác bảo vệ môi trường là chưa tương xứng, mà nhiệm vụ chi bảo vệ môi trường của tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đều rất cần thiết, đây là khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại tỉnh.

 

4. Quy định về thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng ở nhiều văn bản gây khó khăn cho áp dụng triển khai thực hiện

 

Hiện nay các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất nằm rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: quy định tại các Điều 67, 69, 70, 71, 93 Luật đất đai năm 2013; Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; Điều 28 và Điều 30 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP; Điều 13 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT. Việc quy định rải rác tại nhiều văn bản gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật; người dân khó tiếp cận, khó tra cứu đầy đủ và hiểu đúng quy trình của pháp luật về trình tự, thủ tục thu hồi đất.

 

5. Quy định về điều kiện công nhận khu, điểm du lịch cấp tỉnh gây khó khăn cho việc xác định khu du lịch; mức thu phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương

 

 a) Tại Điều 12 Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh có quy định “Có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận”. Quy định này sẽ gây khó khăn cho việc xác định điều kiện công nhận những khu du lịch có khu dân cư nằm xen lẫn, không phải do một đơn vị quản lý, mà nhiều đơn vị quản lý.

 

b) Tại điểm b khoản 2 Điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm là 200.000 đồng/thẻ. Trong đó, Sở Du lịch được để lại 60% tổng số tiền phí thu được, trích chuyển 30% tổng số tiền phí thu được cho Tổng cục du lịch và nộp 10% tổng số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Như vậy, phí thu được để lại Sở Du lịch là 120.000 đồng/thẻ. Tuy nhiên, tiền in thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm theo mẫu quy định tại Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL có giá là 165.000 đồng/chiếc (theo Công văn số 10/TTTTDL-HTTT ngày 16/3/2018 về việc báo giá thẻ hướng dẫn viên du lịch năm 2018 của Trung tâm Thông tin Du lịch - Tổng cục Du lịch) và dự kiến tiền mua bao da và dây đeo thẻ là 35.000 đồng. Như vậy, tổng chi phí dự kiến khoảng 200.000 đồng/thẻ, chưa kể các khoản chi cho các hoạt động liên quan đến việc kiểm tra, thẩm định hồ sơ cấp thẻ, tổ chức tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch tại điểm….Vì vậy, để cấp một thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, Sở Du lịch phải bù thêm ít nhất 80.000 đồng/thẻ. Do vậy, đề nghị Tổng cục Du lịch sớm tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh mức thu phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm là 650.000 đồng/thẻ (giống mức thu phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế).

 

6. Quy định về phân cấp, ủy quyền tại một số văn bản pháp luật chuyên ngành chưa phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015

 

 Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định “Chủ tịch UBND cấp tỉnh được phân cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu cung cấp thuốc cho người đứng đầu cơ sở y tế…”, tuy nhiên theo quy định tại Khoản 7 Điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 thì Chủ tịch UBND tỉnh  không có thẩm quyền “phân cấp” mà chỉ được “ủy quyền” cho Phó Chủ tịch hoặc người đứng đầu cơ quan chuyên môn. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, trong khi đó Chủ tịch UBND tỉnh không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy định này đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền thực hiện phân cấp./.

 

Thiều Tú

Phòng Xây dựng và kiểm tra văn bản QPPL

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
673156

Online 4

Hôm nay 231