Những khó khăn, vướng mắc trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Cập nhật: Thứ sáu, 03/04/2020

Thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong thời gian qua công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: Thông qua các buổi tập huấn đã phổ biến các quy định về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu các văn bản quy phạm pháp luật để cập nhật các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành thuận lợi cho các doanh nghiệp tra cứu văn bản, tiếp cận thông tin về các chế độ chính sách đối với tỉnh đối với doanh nghiệp... nhờ đó nhận thức của các doanh nghiệp đối với việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng nâng lên. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như:

 

 - Việc cải cách thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp còn nhiều bất cập; các doanh nghiệp chưa chủ động trong việc đề nghị hỗ trợ pháp lý, không tích cực tham gia các lớp tập huấn khi được mời; trả lời miễn cưỡng, không sát với thực tế khi được khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý; tâm lý e ngại của các doanh nghiệp khi tham gia các chương trình hỗ trợ.

 

- Đội ngũ cán bộ, nhân viên của các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng pháp luật; bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ phụ trách công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, chưa được thường xuyên bồi dưỡng về nghiệp vụ nên đôi lúc còn lúng túng trong việc hỗ trợ, pháp lý khi doanh nghiệp có yêu cầu.

 

- Kinh phí phục vụ cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong những năm gần đây mặc dù đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; cơ chế, chính sách dành cho các cơ quan thực hiện hỗ trợ pháp lý chưa rõ ràng.

 

Từ những khó khăn, vướng mắc trên để công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đi vào trọng tâm và bảo đảm hiệu quả cần có các giải pháp đổi mới như sau:

 

Một là, đổi mới thể chế theo hướng ban hành quy định cụ thể về các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đối với từng bộ, ngành đã được quy định tại Luật Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để các Sở thuộc UBND cấp tỉnh làm căn cứ để xây dựng chương trình hỗ trợ theo đúng quy định.

 

Hai là, đổi mới về việc cung cấp thông tin, trên Trang thông tin hỗ trợ doanh nghiệp - Bộ Tư pháp cần bổ sung thêm chuyên mục cảnh báo rủi ro pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thường xuyên cập nhật, đăng tải một số bản án, quyết định của Tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham khảo.

 

Ba là, về bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho mạng lưới tư vấn pháp luật cấp tỉnh và xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2026 cần tập trung vào các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp với nội dung là các lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: pháp luật về quản trị doanh nghiệp, hợp đồng, lao động và bảo hiểm xã hội; pháp luật về thuế, kế toán; pháp luật về cạnh tranh, sở hữu trí tuệ; pháp luật về kinh doanh bất động sản, đầu tư; các quy định mới của Bộ luật dân sự 2015, Luật Doanh nghiệp 2015, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng ... ; các quy định về Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương TTP, Hiệp định tự do thương mại FTA. Ngoài ra cần tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp, góp phần tăng cường năng lực tư vấn pháp lý cho đội ngũ này trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

 

Bốn là, về tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại mục tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, cần đưa ra các câu trả lời về các vấn đề mà doanh nghiệp đang quan tâm để thu hút được các doanh nghiệp đối với hoạt động này. Ngoài ra cần phải đa dạng hóa các hình thức tư vấn cho doanh nghiệp bằng các hình thức khác như: Tổ chức các buổi tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp, thành lập mạng lưới tư vấn viên pháp luật là những người am hiểu pháp luật, có kinh nghiệm tư vấn để kịp thời tư vấn cho các doanh nghiệp qua điện thoại, email và các hình thức khác để kịp thời hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có đề nghị.

 

Đinh Nam

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
675197

Online 3

Hôm nay 2272