Tiếp tục hoàn thiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

Cập nhật: Thứ ba, 19/05/2020

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) được Quốc hội thông qua ngày 22/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Qua gần 04 năm thực hiện Luật năm 2015, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã có chuyển biến tích cực, chất lượng văn bản pháp luật đã được nâng cao hơn, nhiều văn bản được ban hành kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua đã có một số hạn chế, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn.

 

Để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật năm 2015, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đang lấy ý kiến rộng rãi tại các bộ, ngành, địa phương.

 

Qua nghiên cứu nội dung Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xin đưa ra một số ý kiến như sau:

 

1. Điểm b khoản 31, khoản 33, điểm a khoản 34 và điểm a khoản 36 Điều 1 Dự thảo Luật

 

Điểm b khoản 31, khoản 33, điểm a khoản 34 và điểm a khoản 36 Điều 1 Dự thảo Luật quy định chưa đảm bảo thống nhất vì:

 

Tại điểm b khoản 31 Điều 1 Dự thảo Luật quy định “3. Đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật này thì trước khi trình Trường trực Hội đồng nhân dân phải thực hiện theo quy định từ Điều 112 đến Điều 116 của Luật này”. Quy định này được hiểu chỉ trường hợp đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 4 Điều 27 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sau đây gọi là Luật năm 2015) thì mới phải thực hiện bước đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo nghị quyết, các trường hợp đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 27 của Luật năm 2015 không phải thực hiện bước đánh giá tác động chính sách trong dự thảo nghị quyết.

 

Trong khi đó, tại khoản 33, điểm a khoản 34, khoản 35 và điểm a khoản 36 Điều 1 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 119; điểm c khoản 2 Điều 121; điểm d khoản 1 Điều 122 và điểm d khoản 2 Điều 124 Luật năm 2015 quy định “báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này”, như vậy đối với trường hợp đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 27 Luật năm 2015 vẫn phải thực hiện bước đánh giá tác động chích sách. Quy định này không thống nhất với điểm b khoản 31 Điều 1 Dự thảo Luật. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa lại đảm bảo thống nhất, phù hợp.

 

2. Khoản 34 Điều 1 Dự thảo Luật

 

a) Tại điểm a đề nghị bổ sung thành phần hồ sơ gửi thẩm định phải có bản đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong trường hợp được luật giao quy định thủ tục hành chính; bản đánh giá tác động về giới (nếu có) để thống nhất với khoản 37 Điều 1 Dự thảo Luật.

 

b) Tại điểm b quy định về nội dung báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp đề nghị:

 

- Không  quy định nội dung báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp phải có “Sự cần thiết ban hành nghị quyết quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Luật này”,  bởi vì: sự cần thiết để ban hành nghị quyết trong trường hợp này chỉ có thể được xác định bởi cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực được giao phụ trách. Sở Tư pháp không thể xác định được một cách chính xác sự cần thiết hay không cần thiết việc ban hành văn bản để quản lý về một lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn khác trừ văn bản quy định chi tiết được phân cấp tại văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên.

 

Mặt khác, về điều kiện đảm bảo nguồn nhân lực, tài chính để thi hành Nghị quyết cũng không thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cơ quan tư pháp mà thuộc thẩm quyền đánh giá của cơ quan soạn thảo và cơ quan quản lý về nguồn nhân lực, tài chính. Do đó, đề nghị không quy định nội dung thẩm định về các vấn đề trên.

 

- Không quy định thẩm định về “Sự phù hợp của nội dung dự thảo nghị quyết với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vì trong nội dung thẩm định đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh được quy định tại Điều 115 Luật năm 2015 đã quy định nội dung này.

 

3. Khoản 38 Điều 1 Dự thảo Luật

 

a) Tại khoản 38 Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 130 Luật năm 2015 quy định các nội dung thẩm định. Đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa quy định các nội dung thẩm định của Sở Tư pháp chỉ gồm các nội dung quy định tại điểm a, điểm b, nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới tại điểm c, điểm đ của khoản 3. Đối với nội dung liên quan đến sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo quyết định tại điểm c và nguồn lực, điều kiện bảo đảm thi hành quyết định tại điểm d đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giao cho Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính thực hiện cho phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan theo quy định của pháp luật hiện hành.

 

b) Đối với nội dung về thời hạn thẩm định của Sở Tư pháp tại khoản 4 Điều 130 (Luật sửa đổi), đề nghị chỉnh sửa thời hạn thẩm định của Sở Tư pháp là 10 ngày làm việc kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định, đối với dự thảo có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực thời hạn thẩm định của Sở Tư pháp là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, vì việc thẩm định văn bản thường rộng, bao gồm nhiều lĩnh khác nhau, đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu. Quy định thời gian 10 ngày (không tính ngày nghỉ) là chưa phù hợp với yêu cầu.

 

4. Khoản 40, khoản 41 Dự thảo Luật

 

Về thời hạn gửi hồ sơ để thẩm định của cơ quan soạn thảo: Đề nghị không quy định về thời hạn cơ quan chủ trì soạn thảo gửi hồ sơ dự thảo Quyết định để cơ quan tư pháp thẩm định theo hướng “chậm nhất 15 ngày trước ngày Ủy ban nhân dân họp”, vì trên thực tế các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo không thể xác định cụ thể ngày UBND họp để cơ quan soạn thảo có thể gửi hồ sơ thẩm định đúng thời hạn. Do đó, đề nghị chỉ cần quy định về thời hạn thẩm định hồ sơ kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ gửi thẩm định để cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động xây dựng dự thảo cho bảo đảm thời gian theo quy định.

 

5. Khoản 44 Điều 1 Dự thảo Luật

 

Tại khoản 44 Điều 1 Dự thảo Luật quy định về việc sửa đổi Điều 148 của Luật năm 2015. Tại khoản 2 Điều 148 quy định: “Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản. Trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì thời hạn tổ chức lấy ý kiến không quá 20 ngày”. Đối với nội dung này, Sở Tư pháp đề xuất không nên dùng cụm từ “có thể” mà quy định rõ các trường hợp không cần lấy ý kiến, các trường hợp cần lấy ý kiến để đảm bảo thuận tiện khi triển khai thực hiện. Vì thực tế, đối với trường hợp bãi bỏ văn bản trái pháp luật; ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...thì có thể không cần lấy ý kiến của đối tượng tác động; còn trong trường hợp áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với trường hợp  “cần phải ban hành ngay văn bản để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên” (theo quy định tại khoản 3 Điều 146 của Luật năm 2015 sau khi đã chỉnh sửa) thì cần thiết phải tổ chức lấy ý kiến của đối tượng tác động, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do đó, không nên sử dụng cụm từ “có thể” mà nên quy định cụ thể trong trường hợp này cho phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật năm 2015 “ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu”./.

 

Thiều Tú

Phòng Xây dựng và kiểm tra VBQPPL

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
674045

Online 1

Hôm nay 1120