Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên môi trường mạng có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Cập nhật: Thứ tư, 26/02/2020

     Ngày 03/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử gồm 9 chương, 124 điều. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/4/2020 và thay thế cho Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 và Điều 2 Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ.

     Điểm nổi bật của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là một số quy định về việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật môi trường mạng. Cụ thể:

     1. Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp chia sẻ thông tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, Điều 101 cũng quy định: Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

     2. Hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng sẽ bị phạt từ tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác; xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng; cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin; ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép; làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.

     3. Hành vi thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp” sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với các hành vi: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

     4. Hành vi gửi bưu phẩm có văn hóa phẩm đồi trụy bị phạt đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, tổ chức cũng có thể bị phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu gửi, chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa: vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước cấm xuất khẩu/nhập khẩu; vật phẩm, hàng hóa cấm sử dụng hoặc cấm lưu thông; vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính.

     Ngoài ra, Nghị định còn có quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, đặc biệt đối với trẻ em. Theo đó, Điều 77 quy định hành vi “Không có biện pháp ngăn ngừa trẻ em truy nhập thông tin không có lợi trên môi trường mạng khi cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin”; “Không có dấu hiệu cảnh báo đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mang nội dung không có lợi cho trẻ em” sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng./.

Thu Hồng

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
719400

Online 5

Hôm nay 1949