Nâng cao kiến thức và phương pháp cho tập huấn viên cấp tỉnh về phương pháp tập huấn tăng cường sự tham gia của người học và bồi dưỡng kỹ năng bảo đảm bình đẳng giới trong quá trình hòa giải ở cơ sở

Cập nhật: Thứ sáu, 13/05/2022

Thực hiện Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh Châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, tiếp nối các hoạt động triển khai đã thực hiện trong năm 2020 , Bộ Tư pháp và UNDP, EU tiếp tục tổ chức các hội nghị tập huấn cho tập huấn viên về hòa giải ở cơ sở cấp tỉnh và cấp huyện năm 2022. Trong ngày 12-13/5/2022, Hội nghị được tổ chức cho tập huấn viên các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, gồm 30 tập huấn viên cấp tỉnh của các tỉnh, thành phố: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang. Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp và bà Diana F.Torres Romero, Trợ lý Trưởng đại diện, Trưởng phòng Quản trị và tham gia, UNDP tại Việt Nam đã dự và chủ trì Hội nghị.

Mục tiêu của Hội nghị: sau khi hoàn thành khóa tập huấn, tập huấn viên biết sử dụng phương pháp tập huấn tăng cường sự tham gia của người học, lấy người học làm trung tâm, có kỹ năng tổ chức, vận hành lớp tập huấn; nắm được kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, định kiến giới từ đó áp dụng vào quá trình hòa giải ở cơ sở; trên cơ sở đó, tập huấn viên có đủ khả năng để bồi dưỡng, tổ chức các lớp tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc khẳng định việc trang bị kiến thức về giới, bình đẳng giới và kỹ năng hòa giải ở cơ sở để bảo đảm bình đẳng giới cho hòa giải viên ở cơ sở là rất cần thiết. Hiện nay, hòa giải viên ở cơ sở, nhất là hòa giải viên là đồng bào dân tộc thiểu số, hòa giải viên ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn ít có cơ hội được tiếp cận với tri thức, khoa học, còn bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán lạc hậu. Khi được tập huấn, bồi dưỡng, hòa giải viên nắm được kiến thức, kỹ năng để tránh định kiến giới, bất bình đẳng, đồng thời bảo đảm xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo vấn đề giới, bình đẳng giới trong quá trình hòa giải, như vậy, việc hòa giải sẽ bảo đảm một cách toàn diện, kết quả hòa giải thành sẽ bền vững hơn, bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên.

Bà Diana F.Torres Romero, Trưởng phòng Quản trị và tham gia, UNDP tại Việt Nam cho rằng, tập huấn viên cấp tỉnh và hòa giải viên ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng, tuyên truyền những thông tin pháp luật đến người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương và những người cần được pháp luật bảo vệ. Công việc của họ là một kênh quan trọng để đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, giúp người dân biết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình một cách hiệu quả. Việc củng cố kiến thức về giới, bình đẳng giới và kỹ năng hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới là hoạt động hữu ích nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tại Việt Nam mà UNDP đã triển khai trong thời gian qua và sẽ tiếp tục hỗ trợ trong thời gian tiếp theo.

              

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã mời 02 chuyên gia giảng dạy có trình độ, uy tín, kinh nghiệm của Trường Đại học Luật Hà Nội là PGS.TS Nguyễn Thị Lan và TS. Nguyễn Phương Lan. Hội nghị tập huấn được tổ chức theo phương pháp tăng cường sự tham gia của người học, lấy người học làm trung tâm. Hội nghị dành nhiều thời gian cho các đại biểu trao đổi, thực hành nhuẫn nhuyễn cả kiến thức, kỹ năng và phương pháp. Các đại biểu rất hứng thú với phương pháp tập huấn hiện đại, tham gia trao đổi, thảo luận sôi nổi, hào hứng; đánh giá đây phương pháp thiết thực, đáp ứng được nhu cầu bồi dưỡng của đội ngũ tập huấn viên./.

Một số hình ảnh khác tại hội nghị:

    

Trích Nguồn:https://pbgdpl.moj.gov.vn

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
709916

Online 2

Hôm nay 899