Quy chế văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Cập nhật: Thứ ba, 01/06/2021

Ngày 26/5/2021 UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quy chế văn hóa công sở trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh kèm theo Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND. Quy chế này quy định đối tượng áp dụng, mục đích, nguyên tắc thực hiện văn hóa công sở; trang phục của cán bộ, công chức, viên chức; tinh thần, thái độ làm việc; chuẩn mực về giao tiếp, ứng xử; chuẩn mực về đạo đức, lối sống; quy định bài trí công sở tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Cụ thể:

1. Trang phục của cán bộ, công chức, viên chức

- Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc; đầu tóc gọn gàng, không nhuộm tóc nhiều màu; đi giày hoặc dép có quai hậu. Đối với những ngành có trang phục riêng: Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định của ngành và các quy định pháp luật liên quan.

- Lễ phục của cán bộ, công chức, viên chức là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ, cuộc họp trọng thể, các cuộc tiếp khách nước ngoài:

+ Lễ phục của nam cán bộ, công chức, viên chức: Bộ comple, áo sơ mi, cravat.

+ Lễ phục của nữ cán bộ, công chức, viên chức: Áo dài truyền thống, bộ comple nữ.

+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số: Trang phục ngày hội dân tộc cũng coi là lễ phục.

- Cán bộ, công chức, viên chức phải đeo thẻ đúng quy định khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện thống nhất theo quy định tại Quyết định số 06/2008/QĐ-BNV ngày 22/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc quy định mẫu thẻ và việc quản lý, sử dụng thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

2. Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức

- Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân, bao gồm:

+ Phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

+ Phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng hiệu quả thời giờ làm việc, tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không làm việc riêng trong giờ làm việc hành chính; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

+ Không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.

+ Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo phải công tâm, khách quan trong sử dụng, đánh giá cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý; không lợi dụng vị trí công tác để bổ nhiệm người thân quen; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực, uy tín.

- Chấp hành nghiêm các quy định về việc phải làm và không được làm khi thi hành nhiệm vụ, công vụ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Chuẩn mực về giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức

- Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

- Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên, trung thực, không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ.

- Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, trung thực, thân thiện, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, đơn vị.

- Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được duy ý chí, áp đặt, bảo thủ; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của cấp dưới, gương mẫu trong giao tiếp, ứng xử.

- Khi giao tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức phải xưng tên, chức vụ, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột; ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, mạch lạc, có ngữ âm phù hợp; thái độ, tác phong phải lịch sự, tôn trọng.

Quy chế cũng quy định trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Quy chế; rà soát, sửa đổi nội quy, quy định nội bộ của cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực; tổ chức tự kiểm tra, đánh giá và kiểm điểm việc thực hiện, đưa việc thực hiện Quy chế vào tiêu chí đánh giá, phân loại hằng năm đối với tập thể, cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

File đính kèm:

Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND

Quy chế văn hóa công sở

T.H

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
673178

Online 3

Hôm nay 253