Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Cập nhật: Thứ hai, 23/09/2019

     Ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TƯ của Ban Bí thư và đề xuất định hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã chủ trì Hội thảo.

 

     Trên cơ sở tổng kết của 31 bộ, ngành, đoàn thể và 53 địa phương, Bộ Tư pháp đã tập hợp và xây dựng dự thảo Báo cáo 15 năm thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cán bộ, nhân dân. Tại hội thảo, bên cạnh việc chỉ ra những kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị như nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBQGPL đã được nâng lên; công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được chú trọng và tăng cường hơn... thì đại diện các bộ, ngành, địa phương cũng đã chỉ ra không ít hạn chế cần khắc phục trong quá trình thực hiện Chỉ thị này. Trong đó, có thể kể đến tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn coi nhiệm vụ PBGDPL là của ngành tư pháp; chất lượng và hiệu quả của công tác PBGDPL chưa đồng đều; tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm còn diễn biến phức tạp...

 

     Từ thực tế này, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều kiến nghị như đề xuất Ban bí thư ban hành văn bản thay thế Chỉ thị 32-CT/TW; rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách, thể chế liên quan đến công tác PBGDPL; đặc biệt là chính sách chế độ hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác này, nhất là ở các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo...  

     Tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đã điểm lại những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị số 32, trong đó nhấn mạnh đến việc cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên về tầm quan trọng của công tác PBGDPL; công tác này đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác PBGDPL được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả; bên cạnh việc duy trì, phát triển các hình thức PBGDPL truyền thống, các Bộ, ngành, địa phương đã áp dụng nhiều mô hình mới phù hợp với từng đối tượng, địa bàn…

     Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 32, trong đó có hạn chế về công tác phối hợp; chất lượng, hiệu quả của công tácPBGDPL chưa đồng đều; tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm còn diễn biến phức tạp; nhận thức về công tác PBGDPL chưa đầy đủ, vẫn có nơi cho rằng đây là hoạt động của riêng ngành Tư pháp…

     Theo Thứ trưởng, cần tiếp tục xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt, huy động xã hội tham gia công tác PBGDPL; tập trung vào giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, người dân; thu hút nguồn lực, tìm mọi giải pháp tăng cường chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL …Trong tình hình mới hiện nay, phải tăng cường hơn sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, đồng thời đề nghị đơn vị có liên quan tiếp tục  tham mưu các phương án cho Ban Chỉ đạo tổng kết để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị hoặc Nghị quyết cho phù hợp.

An Như – Trung tâm thông tin

(Trích nguồn: https://moj.gov.vn)

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
725335

Online 1

Hôm nay 1932