Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân

Cập nhật: Thứ hai, 09/05/2022

Sáng 6/5, Bộ Tư pháp đã tổ chức toạ đàm tham vấn ý kiến xây dựng, hoàn thiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chủ trì toạ đàm.

 

Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” là một trong những giải pháp quan trọng nhằm góp phần bổ sung, bổ trợ cho các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đang được các bộ, ngành thực hiện, qua đó góp phần hướng đến mục tiêu cao nhất trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tiếp cận pháp luật, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật.

Tại toạ đàm, PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế - Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được đưa ra rất đúng, trúng và kịp thời. Tuy nhiên để hoàn thiện hơn nữa Đề án, PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế đề nghị: Cẩn xây dựng đồng bộ các cơ chế, biện pháp bảo đảm về tiếp cận thông tin pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật xuất phát từ nhu cầu của người dân; đổi mới phổ biến, giáo dục pháp luật, lấy người dân làm trung tâm, xuất phát từ nhu cầu của người dân kết hợp với nhu cầu của cộng đồng xã hội.

Đồng thời, thực hiện điều tra, khảo sát về nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân tại các địa bàn cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật cơ quan nhà nước phối hợp tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp điều tra, khảo sát về tình hình thực hiện pháp luật để xây dựng chương trình kế hoạch nội dung hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật; xây dựng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá về năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; xây dựng bộ tiêu chí đo lường, đánh giá về thực hiện, đáp ứng cung cấp, hỗ trợ thông tin, cơ chế, nguồn lực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội đảm bảo tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; xây dựng nội dung tăng cường năng lực, tính chủ động của người dân trong tiếp cận các thông tin, loại hình dịch vụ pháp lý.

Về giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân, bà Nguyễn Thị Ánh - Phó Vụ trưởng Vụ tuyên truyền Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ cần nêu cao trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giáo dục người dân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời chú ý đến các giải pháp hướng đến các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.

Phát biểu kết luận toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh tiếp thu các ý kiến đóng góp của các giáo sư, chuyên gia về xây dựng pháp luật và ý kiến của đại diện các bộ, ban nghành liên quan. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh lưu ý các giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cần xác định cụ thể dựa trên cơ sở bảo đảm sự tương tác quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa 3 nhóm chủ thể “Nhà nước – công dân và doanh nghiệp - tổ chức đoàn thể”.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh yêu cầu tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: Thứ nhất, xem việc thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp không thể thiếu, và phải làm tốt công tác chuyển đổi số trong thời gian tới để đáp ứng được yêu cầu tiếp cận pháp luật. Thứ hai, tăng cường vai trò cơ quan báo chí, truyền thông. Thứ ba, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thứ tư, nâng cao năng lực cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho người dân ở cơ sở đối với các nhóm đối tượng ưu tiên trong từng giai đoạn, từng thời kì.

Trích Nguồn:https://pbgdpl.moj.gov.vn

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
675083

Online 3

Hôm nay 2158