Cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020

Cập nhật: Thứ hai, 13/04/2020

Cải cách thể chế là một nội dung rất quan trọng trong chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước luôn được tỉnh Ninh Bình quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh ta đã đạt được rất nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện cải cách thể chế đó là:

 

1. Kịp thời rà soát văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013. Ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện rà soát 838 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND các cấp ban hành bảo đảm đều phù hợp với nội dung của Hiến pháp năm 2013.

 

2. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh đã có nhiều đổi mới; quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi trách nhiệm của địa phương cơ bản thực hiện theo đúng quy trình quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

 

3. Công tác rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện ra những nội dung không còn phù hợp với quy định của pháp luật để kiến nghị xử lý. Công tác hệ thống hóa văn bản được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Hàng năm đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện đều ban hành Quyết định công bố danh mục văn bản hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực toàn phần.

 

4. Công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng được thực hiện theo đúng quy định. Đối với công tác tự kiểm tra, 100% văn bản UBND tỉnh ban hành đã được Sở Tư pháp thực hiện tự kiểm tra. Đối với công tác kiểm tra theo thẩm quyền, Sở Tư pháp và UBND cấp huyện thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền đối với 1.442 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành (trong đó xác định: 1.017 văn bản bảo đảm đúng quy định về nội dung và thể thức kỹ thuật trình bày; 02 văn bản không phù hợp về thẩm quyền; 304 văn bản có một phần nội dung không phù hợp với quy định của cơ quan nhà nước cấp trên đã được kiến nghị và xử lý kịp thời; 119 văn bản sai về thể thức kỹ thuật trình bày).

 

Cùng với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế công tác tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật đã được các cấp, các ngành chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, góp phần tác động tích cực đến các mặt của đời sống xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Từ những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện cải cách thể chế đã rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau;

 

Một là, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp đối với công tác xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải gắn với tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật vừa là công cụ quản lý xã hội, vừa là công cụ để nhân dân kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật.

 

Hai là, tiếp tục đổi mới công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi trên cơ sở thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của pháp luật.

 

Ba là, kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết khi được các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên giao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật.

 

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, có tính chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. 

 

Năm là, hằng năm các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện nhiệm vụ, đồng thời phân công rõ trách nhiệm của cá nhân trong công việc, biểu dương, khen thưởng, phê bình theo quy định.

 

Đinh Nam

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
726038

Online 3

Hôm nay 602