Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở tổ về một số Dự án Luật

Cập nhật: Thứ hai, 18/11/2019

     Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, sáng 18/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở tổ số 5, cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Tây Ninh và thành phố Đà Nẵng.

     Cho ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Đinh Tiến Dũng, UVT.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng Dự thảo Luật cần xây dựng quy định về định mức đơn giá xây dựng một cách khoa học, theo thị trường. Bởi trong thực tiễn hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được định mức đơn giá, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

     Đồng tình với quan điểm của đại biểu Đinh Tiến Dũng, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cũng cho rằng hiện nay việc xây dựng đơn giá định mức còn quá xa rời thực tế, khiến cho công trình của Nhà nước cao hơn so với tư nhân. Do đó, đại biểu đề nghị cần phải có quy định cụ thể và rõ ràng hơn đối với vấn đề này.

     Tham gia góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đã góp ý cụ thể về các Điều: 3, 4, 30, 54, 68 trong dự thảo Luật. Đại biểu cũng cho rằng, quy định An toàn trong thi công xây dựng công trình (Điều 115) là chưa bao quát hết các đối tượng.

     Hiện mới chỉ có quy định chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình.

     Do đó, đề nghị bổ sung: chủ đầu tư, nhà thầu thi công cũng phải có trách nhiệm phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho bên thứ 3 là những người dân sinh sống quanh công trình và những người đi lại sát cạnh phạm vi công trình.

     Góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho rằng cần cân nhắc khi đưa hiện tượng "sương mù" và "gió mạnh trên biển" là một trong những thiên tai.

     Đối với quy định về Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ và các tổ chức, đoàn thể khác tại địa phương, là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án phòng, chống thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền (Khoản 2, Điều 6), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉ đề lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai là ĐVTN, để đảm bảo tính khả thi.

     Về quỹ (Điều 10), việc Quỹ định như dự thảo chưa cụ thể và sẽ được kiểm soát theo luật nào? Đề nghị cần quy định rõ trong luật.

     Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồngbào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Sau đó Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.

     Trong ngày, Quốc hội có phiên họp riêng, thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Mai Lan

(Nguồn: http://baoninhbinh.org.vn)

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
716012

Online 4

Hôm nay 614