Một số vướng mắc, bất cập trong thực hiện pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn tỉnh

Cập nhật: Thứ tư, 13/11/2019

     Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật XLVPHC) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Qua gần 06 năm thi hành, công tác xử lý vi phạm hành chính nói chung, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn những năm qua cho thấy, việc tổ chức thực hiện các quy định về biện pháp xử lý hành chính còn gặp một số khó khăn,vướng mắc, bất cập, chủ yếu như sau:

          Thứ nhất, về quy định “02 lần trở lên trong 6 tháng” thực hiện hành vi vi phạm là điều kiện để áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (quy định tại Điều 90,91,92,94 Luật XLVPHC)

     Tại các Điều 90, 91,92,94 Luật XLVPHC quy định một số trường hợp như người chưa đủ 18 tuổi, không có nơi cư trú ổn định... thực hiện hành vi vi phạm “02 lần trở lên trong 6 tháng” nhưng được áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng và đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc) nhằm giáo dục, quản lý đối tượng tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng hoặc giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường; sự quản lý của cơ sở giáo dục bắt buộc. Tuy nhiên, qua theo dõi việc thi hành trên thực tế cho thấy, các quy định trên chưa rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau trong quá trình thực thi pháp luật, đó là: Đối tượng thực hiện hành vi vi phạm lần thứ hai hay phải vi phạm lần thứ ba mới đủ điều kiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính?; Hành vi vi phạm của đối tượng tại các lần vi phạm có nhất thiết phải có sự trùng lặp không (ví dụ: lần một đối tượng có hành vi trộm cắp, lần hai đối tượng có hành vi đánh bạc thì có bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hay không?). Tại lần vi phạm cuối cùng để xem xét, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không, hay chỉ cần lập biên bản vi phạm hành chính?

     Thứ hai, quy định về việc giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính (quy định tại khoản 1, 2 Điều 131 Luật XLVPHC)

     Khoản 1, 2 Điều 131 Luật XLVPHC quy định “Trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập hồ sơ quyết định giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp này. Đối tượng vi phạm có nơi cư trú ổn định thì giao cho gia đình quản lý; trường hợp không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý”.

     Trong thực tiễn việc thực hiện quy định này đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt đối với người nghiện ma túy là không khả thi, vì hầu hết đều là các đối tượng không có ý thức tuân thủ pháp luật, các đối tượng người nghiện đều lệ thuộc vào ma túy cả về tinh thần lẫn thể chất, họ thường có thái độ bất hợp tác, thậm chí chống đối quyết liệt việc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nên gia đình và tổ chức xã hội rất khó quản lý. Việc lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quy định cơ quan chức năng phải thông báo cho đối tượng biết việc đang lập hồ sơ cũng như thông báo cho gia đình đối tượng biết để phối hợp quản lý đối tượng trong quá trình lập hồ sơ. Điều này đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng vì thực hiện như đúng quy định thì đối tượng sẽ bỏ trốn, gia đình đối tượng không hợp tác.

     Trên cơ sở một số nội dung vướng mắc đã phân tích trên, Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình) có một số ý kiến đề xuất như sau:

     1. Đề nghị làm rõ hơn quy định “02 lần trở lên trong 06 tháng”, thống nhất trong cách áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; loại trừ việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy; bỏ quy định về việc đối tượng phải vi phạm “02 lần trong 06 tháng” là điều kiện áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc để tránh kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp này…

     2. Bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 131 Luật XLVPHC về việc giao gia đình hoặc tổ chức xã hội quản lý người có hành vi vi phạm pháp luật thuộc đối tượng vị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (đặc biệt là đối tượng nghiện ma túy) trong thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp này./.

Hằng Nga

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
674578

Online 22

Hôm nay 1653