Đề xuất đưa 18 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025

Cập nhật: Thứ hai, 08/04/2024

Ngày 8/4, tại phiên họp toàn thể lần thứ 21 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm (gọi tắt là Chương trình) năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024.

Hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, Chính phủ xác định 3 nguyên tắc lập đề nghị về Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024. Thứ nhất, ưu tiên đề xuất các dự án vào Chương trình nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, ưu tiên đề xuất đưa các dự án vào Chương trình nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thứ ba, đề nghị Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt, xác định năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần đảm bảo các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 2 nhiệm kỳ Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình bổ sung 7 dự án vào Chương trình năm 2024 gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8); Luật Điện lực (sửa đổi) (trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (theo quy trình 1 kỳ họp) và các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Nhà giáo.

 


Quang cảnh phiên họp.

 

Trình Quốc hội xem xét thông qua 2 dự thảo Nghị quyết theo quy trình rút gọn tại Kỳ họp thứ 7 là: Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong tháng 7/2024 và thông qua tháng 12/2024 đối với Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật từ Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sang Chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đối với Chương trình năm 2025, tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), trình Quốc hội thông qua 7 dự án luật: Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), trình Quốc hội thông qua 9 dự án luật: Luật Cấp, thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Dẫn độ; Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Đường sắt (sửa đổi).
Cũng tại phiên họp, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Quang Dũng trình bày Tờ trình của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và tiến hành thảo luận về các nội dung này.

Khối lượng công tác lập pháp rất lớn trong năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua, đồng thời chỉ ra một số hạn chế, bất cập tồn tại qua nhiều năm chưa được khắc phục triệt để. Về các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực và trách nhiệm trong công tác chuẩn bị của Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; cơ bản thống nhất với nguyên tắc lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024. Qua rà soát cho thấy tất cả các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết được đề xuất đưa vào Chương trình đều là kết quả của các nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15.
Sau khi điều chỉnh, bổ sung, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), tổng số có 21 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, trong đó trình Quốc hội thông qua 9 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và trình Quốc hội cho ý kiến 12 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), tổng số có 23 dự án luật; trong đó, trình Quốc hội thông qua 12 dự án luật và trình Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật. Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 dự án Pháp lệnh.
Về dự kiến Chương trình năm 2025, Chính phủ, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Hội đồng Dân tộc đề nghị đưa 18 dự án luật vào Chương trình, trong đó, tại Kỳ họp thứ 9 thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến 10 dự án luật; tại Kỳ họp thứ 10 thông qua 10 dự án luật và không có dự án luật trình cho ý kiến.
Nêu rõ khối lượng công tác lập pháp là rất lớn, trong bối cảnh năm cuối nhiệm kỳ, các đại biểu cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác lập pháp, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm thời gian kỳ họp hoặc có thể họp chuyên đề pháp luật để cho ý kiến kỹ lưỡng hơn vào các dự án luật.
Đối với các đề xuất cụ thể, các đại biểu đề nghị các cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu đánh giá sâu sắc hơn các quy định hiện hành, làm rõ nội hàm các đề xuất chính sách có trong các dự án luật và hoàn chỉnh hơn đánh giá tác động của chính sách, bảo đảm chính sách rõ ràng, khả thi, chất lượng.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các ý kiến tại phiên họp cơ bản thống nhất với nội dung và tiến độ các dự án luật được Chính phủ và các cơ quan đề nghị đưa vào Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024 cũng như các đề xuất, kiến nghị thằm thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và có đầy đủ cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và các cơ quan chủ động chuẩn bị các nội dung tiếp thu, làm rõ những vấn đề lớn, quan trọng được nêu tại phiên họp.

Theo moj.gov.vn

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
737484

Online 15

Hôm nay 226