Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Cập nhật: Thứ ba, 02/04/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Ngày 25/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Chỉ thị số 19 - CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sau đây là nội dung Chỉ thị:

Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh tổ chức phiên họp thứ 7 để đánh giá kết quả năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Ảnh: PV

Trong những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan, địa phương, đơn vị đã chủ động phối hợp triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử được tăng cường, đã phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động ngày càng nền nếp, hiệu quả. Nhìn chung, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có nơi, có lúc chưa thường xuyên, nội dung tuyên truyền chưa phong phú. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực, trình độ, hiệu quả công tác còn hạn chế, còn tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Việc đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, khắc phục hạn chế, khuyết điểm ở một số tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có nội dung còn kéo dài, chưa có giải pháp khắc phục triệt để; còn ít vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra được chuyển sang cơ quan điều tra.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: 

1. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị được phân công quản lý, phụ trách; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực, nhất là đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số quản trị công cấp tỉnh, nâng cao năng lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp và vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu trong công tác quản lý kinh tế - xã hội. 

2. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là hành vi "tham nhũng vặt", tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý, những người bao che, cố tình ngăn cản việc chống tham nhũng, tiêu cực hoặc lợi dụng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ. Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời biểu dương, khen thưởng người tố cáo đúng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức làm tốt công tác bảo vệ người tố cáo theo quy định. 

 Xử lý kịp thời, nghiêm minh việc lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm trong công tác cán bộ; kịp thời chấn chỉnh, thay thế những cán bộ không đủ phẩm chất đạo đức, có hành vi tham nhũng, tiêu cực, uy tín giảm sút, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thực hiện đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức nghiêm túc, khách quan, đúng quy định; rà soát, xem xét cho từ chức, miễn nhiệm, bố trí công tác đối với cán bộ sau khi bị xử lý kỷ luật hoặc có tín nhiệm thấp theo đúng quy định; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh có liên quan theo quy định; nâng cao chất lượng công tác đánh giá, quy hoạch cán bộ; chuẩn bị tốt công tác nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thực hiện chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Kịp thời xem xét, thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra; xử lý, kỷ luật nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát để phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. Thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

4. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực, hằng năm phấn đấu tiếp nhận nguồn tin về tội phạm đạt tỷ lệ 100% và tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Tăng cường phối hợp thu hồi tài sản bị thiệt hại, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, hằng năm phấn đấu thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng đạt tỷ lệ trên 60%; làm tốt công tác giám định, định giá tài sản phục vụ việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, cố tình né tránh, chậm chễ, kéo dài trong thực hiện giám định, định giá; hoặc cản trở, tác động, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tố tụng, thi hành án.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Thực hiện tốt việc giải trình chất vấn, tiếp xúc cử tri; phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện xã hội; thực hiện giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

6. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chú trọng thông tin tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, về các vụ án tham nhũng, tiêu cực, kinh tế và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.

7. Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, trọng tâm là: Công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn; chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính. Thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong đấu tranh, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập, góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

8. Phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tương xứng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thật sự có bản lĩnh, liêm chính, trong sạch, vững vàng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác trong thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị mình để ngăn chặn hành vi nhũng nhiễu, lạm quyền, gợi ý "lót tay" và các hành vi vi phạm khác về tham nhũng, tiêu cực. Bộ phận tham mưu, giúp việc các huyện ủy, thành ủy thực hiện tốt công tác tham mưu cho thường trực, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

9. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị, gửi về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy) trong tháng 5/2024.

Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

Chỉ thị này được phổ biến đến chi bộ.

Theo baoninhbinh.gov.vn

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
749722

Online 2

Hôm nay 411