70 năm truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam

Cập nhật: Thứ ba, 01/09/2015
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

                 Ngành Tư pháp Ninh Bình có nhiều đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Ngành và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

 

             Cách đây tròn 70 năm, trong không khí hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Tuyên cáo thành lập Nội các thống nhất Quốc gia gồm 13 Bộ, trong đó có Bộ Tư pháp do ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng. Kể từ ngày đó, ngành Tư pháp của chế độ mới đã chính thức ra đời. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, cùng với chính quyền nhân dân, ngành Tư pháp Việt Nam đã đi qua chặng đường 70 năm xây dựng, phấn đấu và không ngừng phát triển.

 

          

              Như chúng ta đã biết, sau khi tuyên bố bãi bỏ bộ máy và các ngạch quan chức hành chính, tư pháp của chế độ cũ, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta bắt tay vào xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân. Chính tinh thần Đại đoàn kết dân tộc và ngọn cờ Pháp quyền nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo thành sức mạnh thu hút, tập hợp và dẫn dắt một đội ngũ đông đảo các luật sư, luật gia, thẩm phán, những bậc trí thức yêu nước được đào tạo từ chế độ cũ tự nguyện đứng vào hàng ngũ kháng chiến vì độc lập, tự do của dân tộc và xây dựng một nền Tư pháp của chế độ mới. Với nhận thức, đất nước không thể một ngày không có luật, Bộ Tư pháp đã đệ trình Chủ tịch Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 47 ngày 10/10/1945 về việc tạm thời giữ các luật lệ hiện hành của chế độ cũ với điều kiện không trái với nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hoà. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp đã tích cực tham gia vào việc soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta - Hiến pháp 1946, xác lập các nguyên tắc cơ bản của chế độ dân chủ nhân dân và tổ chức bộ máy nhà nước. Trên cơ sở bản Hiến pháp đó, Bộ Tư pháp đã chủ trì và phối hợp với các Bộ trình Chính phủ ban hành hàng trăm sắc lệnh về tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp, về dân sự, hình sự, về các quyền tự do cá nhân.

            Theo chức năng, quyền hạn quy định tại Nghị định số 37 ngày 01/12/1945, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm quản lý toàn diện về tổ chức, cán bộ, hoạt động và cơ sở vật chất của các cơ quan tư pháp. Cùng với công tác soạn thảo luật, Bộ đã khẩn trương xây dựng tổ chức các cơ quan tư pháp, tạo nguồn và phát triển đội ngũ cán bộ tư pháp. Ngày 13/9/1945, Bộ Tư pháp trình Chính phủ ký ban hành Sắc lệnh số 33 thiết lập các toà án quân sự đầu tiên ở một số thành phố để xét xử mọi hành vi phương hại đến nền độc lập nước nhà. Và chỉ 4 tháng sau đó, Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946 đã thiết lập các toà án và các ngạch thẩm phán (bao gồm cả các ngạch thẩm phán làm nhiệm vụ công tố, buộc tội) trên toàn cõi Việt Nam. Toà án tư pháp được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ, tiến bộ. Tổ chức luật sư được củng cố trong khuôn khổ pháp luật về luật sư thời Pháp thuộc với một số điểm sửa đổi phù hợp với điều kiện mới để đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, Bộ Tư pháp đã nhanh chóng, khẩn trương tổ chức lại và điều hành khá thông suốt, linh hoạt hệ thống tư pháp kháng chiến gọn nhẹ.

            Phát huy truyền thống của Tư pháp kháng chiến, trong những năm đầu kiến thiết hoà bình ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước, Bộ Tư pháp tập trung giúp Chính phủ, Quốc hội xây dựng Hiến pháp 1959 và các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước, về quyền tự do, dân chủ của công dân phù hợp tình hình xã hội mới. Từ năm 1960, sau khi Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân trở thành hai hệ thống độc lập tách khỏi Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp được chuyển giao cho các cơ quan khác nhau.

            Trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, công tác tham mưu về pháp luật và xây dựng pháp luật của Chính phủ do ngành Pháp chế đảm trách. Uỷ ban pháp chế thuộc Chính phủ được thành lập và hoạt động từ năm 1972. Tính đến năm 1981, ngành pháp chế đã giúp Nhà nước ban hành gần 5 vạn văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng cơ sở vật chất, kinh tế - kỹ thuật ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, phục vụ đắc lực cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Đặc biệt, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, theo sự phân công của Quốc hội và Chính phủ, Uỷ ban pháp chế đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ công bố Danh mục pháp luật thống nhất áp dụng trong cả nước với hơn 700 văn bản về những vấn đề thiết yếu nhất, cấp bách nhất và có thể thi hành được ngay nhằm thống nhất thực thi pháp luật quốc gia. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa của nước Việt Nam thống nhất, trong đó có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan pháp chế từ Trung ương đến địa phương.

            Năm 1981, Bộ Tư pháp được tái thành lập với chức năng giúp Chính phủ quản lý thống nhất về công tác tư pháp. Từ đó đến nay, đặc biệt trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Bộ Tư pháp được giao thêm nhiều trọng trách. Tổ chức Ngành ngày càng được củng cố và từng bước mở rộng. Đến nay, hệ thống tư pháp 4 cấp đã được thành lập với gần 40 nghìn cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có trên 10 nghìn cán bộ tư pháp - hộ tịch chuyên trách ở cơ sở.

           Xây dựng pháp luật và tham gia xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt 70 năm lịch sử ngành Tư pháp. Với tư duy pháp lý mới, ngành Tư pháp đã có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001, Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hoá đường lối chiến lược của Đảng ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Những bộ luật lớn đầu tiên, có thể coi là những trụ cột của hệ thống pháp luật Việt Nam thời kỳ đổi mới đã được giao cho ngành Tư pháp chủ trì soạn thảo, đó là Bộ luật hình sự năm 1986, 1999; Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988; Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, 2000; 2014 ; Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996, 2002, 2008, 2015. Bên cạnh hoạt động soạn thảo văn bản pháp luật, ngành Tư pháp còn được giao nhiệm vụ thẩm định và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng văn bản, bảo đảm tốt hơn tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

           Thực hiện chức năng giúp Chính phủ quản lý thống nhất công tác tư pháp, từ sau khi tái thành lập năm 1981, ngành Tư pháp đã lần lượt tiếp nhận trở lại các nhiệm vụ quản lý toà án địa phương về tổ chức, công tác thi hành án dân sự, quản lý luật sư, công chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp...

           Sau khi nhận bàn giao nhiệm vụ từ ngành Toà án vào năm 1993, toàn ngành Tư pháp đã tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự từ trung ương đến quận, huyện và phát triển đội ngũ cán bộ thi hành án theo hướng tiêu chuẩn hoá, chuyên môn hoá, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và cải thiện cơ sở vật chất của công tác thi hành án.

           Hệ thống thông tin pháp luật và công tác phổ biến giáo dục pháp luật được tiến hành thường xuyên theo các Chương trình quốc gia với cơ quan tư pháp làm đầu mối và là Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các cấp. Đồng thời, ngành Tư pháp đã và đang nỗ lực theo hướng phát triển đồng bộ một mạng lưới các dịch vụ pháp lý bao gồm luật sư, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, công chứng, giám định tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bán đấu giá tài sản, hoà giải, trọng tài với mục tiêu góp phần giúp nhân dân nắm vững pháp luật, xử sự theo pháp luật, sử dụng các công cụ pháp luật và trong những trường hợp cần thiết làm chỗ dựa tin cậy giúp nhân dân bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời tạo môi trường pháp lý an toàn, thuận lợi thúc đẩy các giao lưu dân sự, kinh tế trong nước và quốc tế.

           Cùng với sự phát triển không ngừng của ngành Tư pháp Việt Nam, từ khi tái lập tỉnh đến nay, nhất là từ năm 1992 (tái lập tỉnh Ninh Bình) được sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, ngành Tư pháp Ninh Bình đã có sự phát triển đáng kể, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của Ngành và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhìn lại chặng đường đã qua nhất là từ sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), Sở Tư pháp Ninh Bình chỉ có 10 đ/c, trong đó có 05 đ/c có trình độ Đại học, không có trụ Sở riêng. Đến nay toàn ngành Tư pháp Ninh Bình đã có 301 cán bộ, công chức, viên chức (Sở Tư pháp: 70 đ/c, Phòng Tư pháp cấp huyện: 31 đ/c, Tư pháp – Hộ tịch cấp xã: 298 đ/c), trong đó: Nam 189 đ/c (63%), Nữ 110 đ/c (37%), Trình độ Thạc Sỹ, Đại học, cao đẳng 157 đ/c (51,4%), trình độ Trung cấp 144 đ/c (48,6%), điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc được củng cố, trang bị đầy đủ, Trụ Sở cơ quan Sở Tư pháp được đầu tư xây dựng và sửa sang đẹp đẽ. Trong thực thi nhiệm vụ Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu đề xuất với cấp uỷ, HĐND, UBND các cấp về hoạt động công tác tư pháp, các cơ quan tư pháp đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và của Ngành, thực hiện và hoàn thành tốt Chương trình công tác tư pháp các năm. Cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành đã chủ động trong công tác, tích cực nghiên cứu, học tập, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điểm nổi bật là ngành Tư pháp Ninh Bình đã tập trung tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc xây dựng thể chế, đã chủ trì việc soạn thảo, trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện thể chế Ngành, chủ động phối hợp với các cơ quan tham gia ngay từ đầu công tác soạn thảo VBQPPL; thẩm định và tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND các cấp và các văn bản khác theo yêu cầu; tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền và rà soát VBQPPL của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã ban hành hàng năm. Công tác PBGDPL cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền các VBQPPL với các hình thức phong phú, đa dạng tới các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp cũng được đẩy mạnh theo hướng đơn giản hoá các thủ tục hành chính. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này đã thực hiện công khai, minh bạch hoá các trình tự, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và công dân khi có yêu cầu; công tác đăng ký, quản lý hộ tịch; công chứng, chứng thực; cấp phiếu lý lịch tư pháp; bán đấu giá tài sản; trợ giúp pháp lý có nhiều chuyển biến tích cực, các mặt công tác luôn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; công tác kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành PL; quản lý nhà nước vể xử lý vi phạm hành chính; trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và công tác pháp chế Sở, Ngành, trợ giúp pháp lý doanh nghiệp là nhiệm vụ mới nhưng được triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả; đặc biệt trong việc tham mưu giúp cho tỉnh giải quyết dứt điểm những vụ việc khiếu kiện kéo dài, phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng, đền bù và các chế độ chính sách có liên quan đến công dân. Do làm tốt công tác tham mưu và quản lý tốt công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh, ngành Tư pháp Ninh Bình đã nhiều năm liền được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và nhiều Bằng khen, ngày 21/5/2015 Sở Tư pháp vinh dự  được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã có thành tích trong công tác từ năm 2010 đến năm 2014 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc.

           Có được những thành tích và truyền thống của ngành Tư pháp Việt nam nói chung và ngành Tư pháp Ninh Bình nói riêng như ngày hôm nay là do có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan hữu quan và của nhân dân; sự đóng góp công sức, trí tuệ, sự phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong Ngành suốt chặng đường qua.

           Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ Tư pháp đã đúc kết được những bài học truyền thống quý báu, đó là trung thành với Đảng và lợi ích của nhân dân, dân chủ và đoàn kết, năng động và sáng tạo trong tư duy pháp luật và hoạt động thực tiễn; Củng cố tổ chức tương xứng với nhiệm vụ được giao và thường xuyên chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng toàn diện đội ngũ cán bộ Tư pháp.

            Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế đang tạo ra những cơ hội, thuận lợi lớn, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức và nhiệm vụ mới cho ngành Tư pháp. Trong những năm qua, ngành Tư pháp đã được giao thêm những chức năng, nhiệm vụ mới, mỗi chúng ta nhận thức sâu sắc rằng được Đảng và Nhà nước tin tưởng, giao thêm trọng trách đó là niềm vinh dự, tự hào và là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Điều đó không chỉ đòi hỏi mỗi chúng ta phải nâng cao năng lực, trình độ công tác, mà quan trọng hơn là sự tận tuỵ, tâm huyết với nghề, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy - Cán bộ Tư pháp phải "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư".

          Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp Ninh Bình tiếp tục hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phát huy tinh thầnĐoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, đổi mới, phát triển, không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng về chính trị, phẩm chất, tác phong, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ; toàn Ngành nhất định sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện mục tiêuDân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của nhân dân.

 

Nguyễn Hùng Tiến Giám Đốc Sở Tư pháp

 

 
                                     

Bài viết khác
Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
762539

Online 5

Hôm nay 1391