Nhiệm vụ và giải pháp phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tại Sở Tư pháp

Cập nhật: Thứ sáu, 27/01/2023

Nhằm triển khai toàn diện, hiệu quả, đúng mục tiêu Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Ngành Tư pháp giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 682/QĐ-BTP ngày 07/5/2021 của Bộ Tư pháp; Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 12/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 194/KH-UBND ngày 15/12/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình năm 2023. Ngày 23/12/2022, Sở Tư pháp Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 56/KH-STP về phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tại Sở năm 2023. Kế hoạch đã nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện, cụ thể như sau:

Một là về công tác chỉ đạo điều hành: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan Sở Tư pháp. Giới thiệu khung Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Bình, phiên bản 2.0, nâng cao nhận thức về lợi ích của chuyển đổi số trong công tác quản lý điều hành, phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cho toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Thường xuyên tuyên truyền về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo an toàn thông tin đến người dân và doanh nghiệp.

Hai là, phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống nền tảng: Tiếp tục nâng cấp hạ tầng hệ thống mạng Lan của Sở, trang bị, nâng cấp các trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của Sở. Mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II tiếp tục được triển khai tại đơn vị sẵn sàng cho việc kết nối và liên thông 4 cấp hành chính từ Trung ương đến cấp xã; từng bước chuyển đổi mạng Internet của Sở từ giao thức Ipv4 sang Ipv6. Tiến hành rà soát, nâng cấp, bổ sung các trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ công tác xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong cơ quan Sở theo sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

Ba là, phát triển dữ liệu: Sở Tư pháp từng bước thực hiện số hóa các bản ghi chép tay của hồ sơ tư pháp, hộ tịch về các sổ sinh, tử, kết hôn, sổ cải chính, sổ nhận cha mẹ con, sổ nhận con nuôi và sổ ly hôn của cấp xã, cấp huyện, chuẩn hóa dữ liệu số và đưa vào cơ sở dữ liệu quản lý nhằm đảm bảo khả năng tìm kiếm và khai thác dữ liệu số, phục vụ công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tư pháp, hộ tịch của tỉnh.

Bốn là, phát triển các ứng dụng, dịch vụ: Đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng đã triển khai một cách có hiệu quả. Tiếp tục ứng dụng chữ ký số chuyên dùng, điều hành tác nghiệp trực tuyến và các nội dung khác theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Thực hiện các chế độ báo cáo trên Hệ thống báo cáo của tỉnh và Chính phủ.

Rà soát, chuẩn hóa quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Sở; triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp giải pháp xác thực điện tử tập trung; số hóa các kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường số hóa hồ sơ của các tổ chức, công dân. Tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; bảo đảm tính liên thông giữa Sở với các đơn vị khác trong quy trình xử lý thủ tục. Tiếp tục triển khai có hiệu quả tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu quả của Trang thông tin điện tử của Sở, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác các hoạt động của ngành nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu tra cứu, tìm kiếm thông tin của người dân và doanh nghiệp.

Năm là, bảo đảm an toàn thông tin mạng: Duy trì các hệ thống đảm bảo an toàn thông tin mạng đang được triển khai tại đơn vị như: firewall; phần mềm diệt virus BKAV. Bố trí cán bộ Quản trị mạng thường xuyên theo dõi, giám sát để sẵn sàng các giải pháp phòng ngừa và ứng phó khi có sự cố xảy ra liên quan đến an toàn an ninh thông tin mạng trong cơ quan Sở. Cử cán bộ Quản trị mạng của Sở tham gia đầy đủ các chương trình diễn tập, tập huấn bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng do các cơ quan chức năng tổ chức. Tiếp nhận và thụ hưởng các phần mềm phòng chống mã độc do các cơ quan chức năng cung cấp.

Sáu là, phát triển nguồn nhân lực: Tạo điều kiện cho cán bộ (Lãnh đạo Sở, công chức, viên chức) được tham gia các khóa tập huấn để nâng cao nhận thức, trình độ công nghệ thông tin, kiến thức, kỹ năng số. Bố trí cán bộ Quản trị mạng đảm bảo việc tham mưu triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trong cơ quan Sở được đồng bộ và hiệu quả./.

                                                                                                           Nguyễn Lợi

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
719137

Online 1

Hôm nay 1686