SỞ TƯ PHÁP NINH BÌNH TỪ KHI TÁI LẬP TỈNH ĐẾN NAY

Sở Tư pháp Ninh Bình được thành lập từ ngày 01/4/1992 (đồng thời với việc chia tách tỉnh Ninh Bình từ tỉnh Hà Nam Ninh). Cùng với sự phát triển và trưởng thành của Ngành Tư pháp Việt Nam, nhìn lại chặng đường trên 30 năm từ khi tái lập tỉnh Ninh Bình đến nay, Sở Tư pháp dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể; sự giúp đỡ, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là tinh thần nhiệt huyết, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, ngành Tư pháp Ninh Bình đã và đang không ngừng phát triển, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

* Số chỉ tiêu, số lượng người làm việc và hợp đồng lao động: 73 người.

* Về cơ cấu tổ chức bộ máy:

- Lãnh đạo Sở: Giám đốc; 02 Phó Giám đốc.

- Có 05 phòng chuyên môn và 03 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, cụ thể:

+ Phòng Văn bản - Quản lý xử lý vi phạm hành chính;

+ Phòng Phổ biến - Giáo dục pháp luật;

+ Phòng Hành chính - Bổ trợ tư pháp;

+ Văn phòng Sở;

+ Thanh tra Sở;

+ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước;

+ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản;

+ Phòng Công chứng số 1.

Trải qua quá trình xây dựng và trưởng thành gắn liền với lịch sử phát triển ngành Tư pháp Việt Nam, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành  Tư pháp Ninh Bình đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Việc tham mưu của Sở Tư pháp không chỉ là áp dụng pháp lý đơn thuần mà luôn nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết vừa đáp ứng tình hình thực tiễn của tỉnh vừa đảm bảo chuẩn mực của pháp luật.

Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện tốt công tác cải cách thể chế, đã chủ trì việc soạn thảo, trình UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo, điều hành và hoàn thiện thể chế Ngành; chủ động phối hợp với các cơ quan tham gia ngay từ đầu công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); thẩm định và tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND các cấp và các văn bản khác theo yêu cầu; tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền và rà soát VBQPPL của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã ban hành hàng năm đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, các mặt công tác tư pháp đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, cả về bề rộng và chiều sâu; ngày càng hướng mạnh về cơ sở, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo kỷ cương pháp luật, an ninh trật tự, giải quyết hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Phổ biến giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thực hiện quy định của pháp luật đã có nhiều thành quả góp phần nâng cao hiệu lực của pháp luật, hiệu quả quản lý của Nhà nước, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính tiếp tục phát huy vai trò của cơ quan quản lý đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường.  Sở Tư pháp cũng thực hiện tốt vai trò tham mưu cho tỉnh giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài liên quan đến giải phóng mặt bằng và đền bù cho dân. Một điều đáng tự hào chính là ngành Tư pháp Ninh Bình được địa phương giao thêm nhiều nhiệm vụ đã giúp cho năng lực triển khai công việc của Sở ngày càng được nâng cao, năng lực này là kết tinh của một quá trình dài rèn luyện về kỹ năng, tính chủ động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, luôn lấy thực tiễn làm thước đo hiệu quả hoạt động. Với tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhiều năm qua, Sở Tư pháp đã trở thành cơ quan tham mưu, chỗ dựa tin cậy về mặt pháp luật của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, và các cơ quan, ban ngành của tỉnh.

Ghi nhận những thành tích mà ngành Tư pháp Ninh Bình đã đạt được, nhiều năm Sở Tư pháp đã được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc. Hàng năm, nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được Chính phủ, Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng Bằng khen và các phần thưởng cao quý khác. Có thể nói, trong sự phát triển khá toàn diện của tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua luôn có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của Sở Tư pháp. Với sự đóng góp đó, năm 2018, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua của Chính phủ cho tập thể Sở Tư pháp đã có thành tích xuất sắc và toàn diện trên các mặt công tác trong năm 2018, năm 2021; góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc và năm 2020 Chủ tịch nước đã quyết định trao tặng Huân chương lao động hạng Ba cho Sở Tư pháp. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu mà ngành Tư pháp tỉnh đã đạt được, đồng thời biểu dương tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch; xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, đang đặt ra cho Sở Tư pháp nói riêng và Ngành Tư pháp tỉnh Ninh Bình nói chung những yêu cầu và nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ vụ này không chỉ là thách thức, trách nhiệm nặng nề mà còn là cơ hội, vinh dự lớn lao mà lãnh đạo tỉnh tin tưởng giao cho lãnh Sở Tư pháp và cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành. Phát huy truyền thống hơn 30 năm qua, tập thể công chức viên chức và người lao động Sở Tư pháp Ninh Bình tiếp tục đoàn kết đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện, góp phần tích cực trong công tác tham mưu cho chính quyền chỉ đạo, quản lý tốt công tác tư pháp tại địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa./.

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
728968

Online 2

Hôm nay 1519