Những kết quả nổi bật trong công tác Tư pháp Ninh Bình 6 tháng đầu năm 2018

Cập nhật: Thứ năm, 02/08/2018

         Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tư pháp trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Tư pháp luôn chú trọng phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, trung tâm, đơn vị thuộc Sở nghiêm túc triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp; tập trung vào những vấn đề khó khăn từ cơ sở từ đó đề ra được những giải pháp giải quyết kịp thời, triệt để, không để kéo dài, phát sinh phức tạp, trong 6 tháng đầu năm 2018 ngành Tư pháp Ninh Bình đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế đã đi vào chiều sâu, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước được thống nhất, chặt chẽ và được sự đồng tình của nhân dân, tổ chức. Phổ biến, giáo dục pháp luật đã có chuyển biến tích cực trong việc phối hợp, gắn kết giữa các cấp, các ngành để chuyển tải nội dung quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng tác động trực tiếp đến ý thức chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước góp phần vào thành quả chung của địa phương nhất là trong việc tổ chức thành công những sự kiện phục vụ kỷ niệm 1.050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt; xây dựng cấp xã đạt chuẩn pháp luật, triển khai hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư tập trung hướng về cơ sở với những giải pháp cụ thể thực hiện các tiêu chí đề ra tạo tiền đề hướng đến nâng tầm xây dựng cộng đồng với trình độ dân trí nói chung và trình độ tiếp cận pháp luật nói riêng ở mức độ cao.

Quản lý nhà nước về quản lý xử lý VPHC, TDTHPL có phạm vi rộng,  trong quá trình chỉ đạo luôn xác định cần lựa chọn trọng tâm phù hợp với thực tế địa phương trước mắt và ở từng giai đoạn tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện gắn với kết quả cụ thể. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh phát sinh tương đối nhiều việc đột xuất, phức tạp, ngành Tư pháp thường xuyên được huy động phối hợp với các đơn vị có liên quan để tham mưu chính quyền phương án giải quyết phù hợp góp phần giữ vững ổn định, trật tự.

            Quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực hành chính, bổ trợ tư pháp ngoài nhiệm vụ thường xuyên đã tăng cường kiểm tra hoạt động đối với đối tượng quản lý. Sở Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Thanh tra Sở tham mưu biện pháp xử lý triệt để đối với những vấn đề phát hiện sau thanh tra, kiểm tra. Cải cách hành chính, phát động thi đua, ứng dung công nghệ thông tin (ứng dụng các phần mềm) đã hỗ trợ tích cực trong quá trình chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ. Kết quả cụ thể:

            Một là, tham mưu UBND tỉnh ban hành 04 văn bản chỉ đạo về xây dựng, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); tham gia ý kiến vào 26 dự thảo văn bản theo yêu cầu của cơ quan Trung ương và địa phương; thẩm định 26 dự thảo văn bản. Kiểm tra theo thẩm quyền đối với 01 Nghị quyết, 01 Quyết định do HĐND, UBND cấp huyện ban hành, qua kiểm tra đã phát hiện những tồn tại, sai sót và kiến nghị biện pháp xử lý phù hợp; rà soát văn bản cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương VI khóa XII theo yêu cầu của UBND tỉnh. Tổ chức tập huấn công tác xây dựng, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL cho 100 cán bộ làm công tác pháp chế sở, ngành của tỉnh, cán bộ phòng Tư pháp các huyện, thành phố, công chức tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn. Công tác VBQPPL ở cơ sở cũng đạt được những kết quả thiết thực như tham gia ý kiến vào 48 dự thảo VBQPPL và văn bản hành chính, kiểm tra theo thẩm quyền 54 VBQPPL do HĐND, UBND cấp xã ban hành.

Hai là, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước năm 2018; Quyết định kiện toàn, bổ sung báo cáo viên pháp luật tỉnh; Ban hành các Kế hoạch tiếp tục thực hiện các đề án về tăng cuờng công tác PBGDPL năm 2018. Với vai trò là cơ quan giúp việc cho Hội đồng PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh tổng kết hoạt động PBGDPL năm 2017 và ban hành Kế hoạch hoạt động của HĐPH năm 2018. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho 150 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ pháp chế sở ngành, cán bộ Tư pháp các huyện, thành phố nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực PBGDPL; trang bị mỗi tủ sách pháp luật của 145 xã, phường, thị trấn 22 đầu sách pháp luật; 1.700 cuốn tài liệu cho 93 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh đồng thời có hướng dẫn cụ thể trong xây dựng, quản lý khai thác tủ sách pháp luật; xuất bản và phát hành 2000 cuốn Bản tin Tư pháp số 62, 63 cấp phát cho các sở, ban ngành, các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Công tác hòa giải ở cơ sở được triển khai và đã tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho 330 hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh từ đó nâng cao tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn tỉnh, cụ thể toàn tỉnh đã tiếp nhận 468 vụ việc hòa giải trong đó hoà giải thành 345 vụ (đạt 73,7%), hòa giải không thành 88 vụ, đang thực hiện 35 vụ.

Ba là, tham mưu UBND tỉnh ra Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện  công tác Quản lý xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL) trên địa bàn tỉnh năm 2018 trong đó xác định trọng tâm TDTHPL trên địa bàn tỉnh năm 2018 tập trung vào lĩnh vực: Điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường, lao động, thương binh và xã hội, lý lịch tư pháp. Tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật xử lý VPHC, công tác TDTHPL với trên 220 người dân tham dự; mở lớp tập huấn chuyên sâu về kỹ năng thi hành pháp luật về xử lý VPHC với 185 cán bộ, công chức huyện Kim Sơn. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh phương án giải quyết, xử lý  một số vụ việc phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2018. Tổ chức khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên, môi trường, lao động, thương binh và xã hội, lý lịch tư pháp, xử lý VPHC tại các sở, ngành, UBND cấp huyện. Tham mưu cho UBND tỉnh ra Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ Luật Hình sự trên địa bàn tỉnh trên cơ sở đó toàn tỉnh đã tổ chức 17 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Hình sự năm 2015 và các văn bản liên quan tới cán bộ, công chức, viên chức, lao động qua đó nắm được những nội dung cơ bản của Bộ luật và các văn bản hướng dẫn tạo điều kiện cho quá trình tổ chức thực hiện được thống nhất.

Bốn là, tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn sử dụng Phần mềm Hộ tịch tại các huyện, thành phố và rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch để kiến nghị bổ sung nguồn nhân lực đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác hộ tịch và chứng thực ở cơ sở cũng đạt được kết quả đáng kể như UBND cấp huyện, UBND cấp xã đăng ký khai sinh cho 8.213 trường hợp; khai tử 2.605 trường hợp; đăng ký kết hôn 3.394 đôi; cải chính hộ tịch 57 trường hợp; chứng thực 292,191 việc, thu lệ phí 1,886,607,520 đồng. Thực hiện giao con nuôi có yếu tố nước ngoài cho 03 trường hợp và giải quyết nhận nuôi con nuôi trong nước cho 11 trường hợp. Thực hiện cấp 1.724 Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP). Tiếp nhận 1.340 thông tin lý lịch tư pháp, lập 963 hồ sơ lý lịch tư pháp, gửi Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia 900 hồ sơ lý lịch tư pháp (bản điện tử) và 1988 phiếu bổ sung Lý lịch tư pháp (bản giấy). Đăng ký với Cục công nghệ thông tin kích hoạt ứng dụng tích hợp trên Phân hệ đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, đến nay, Sở đã triển khai thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp qua 2 hình thức là cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính và đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Tổ chức xác minh điều kiện xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cho công dân, cung cấp thông tin về 01 trường hợp có hành vi xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép để cấp Phiếu LLTP.

Năm là, công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp có nhiều khởi sắc như tổ chức Hội nghị triển khai Luật Công chứng năm 2014, Luật Thi hành án dân sự, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành tại một số đơn vị  thuộc huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp, huyện Yên Khánh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” ban hành kèm theo Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Tiến hành khảo sát người dân về hoạt động giám định Tư pháp tại các xã thuộc huyện Nho Quan, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc đổi tên Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Ninh Bình thành Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Ninh Bình. Tham gia Đoàn Giám sát đấu giá quyền sử dụng đất tại 09 xã, phường thuộc huyện Kim Sơn, Nho Quan; Hoa Lư; thành phố Ninh Bình. Tham mưu Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành về công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại huyện Yên Mô, huyện Yên Khánh, thành phố Tam Điệp và Trung tâm TGPL. Tổ chức 29 cuộc tuyên truyền pháp luật về TGPL và các văn bản pháp luật mới ban hành tại 19 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 5 xã bãi ngang ven biển, 5 xã đặc biệt khó khăn cho 2.295 người dân tham dự. Tổ chức 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cho 330 Hòa giải viên cơ sở huyện Kim Sơn và huyện Nho Quan để có kỹ năng thực hiện tư vấn pháp luật, giải quyết những thắc mắc, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Sáu là, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thanh tra, kiểm tra và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, trong 6 tháng đầu năm Sở đã tiếp 12 lượt người, nội dung liên quan đến một số vướng mắc về đất đai, thủ tục nhận nuôi con nuôi, việc ghi chú việc kết hôn và tiếp nhận 11 đơn khiếu nại, tố cáo, sau khi phân loại đã xử lý chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết 05 đơn, trả lại và hướng dẫn công dân liên hệ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết 03 đơn, lưu 03 đơn do nội dung đã được hướng dẫn, trả lời. Chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chứng thực hợp đồng, giao dịch tại một số địa phương.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2018, ngành Tư pháp Ninh Bình cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp như sau: Thực hiện tốt việc xây dựng VBQPPL trình HĐND, UBND tỉnh ban hành, tham gia ý kiến, thẩm định dự thảo VBQPPL, tham mưu chỉ đạo tổng rà soát, hệ thống hóa VBQPPL do HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành từ năm 1992 đến năm 2017. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung cao điểm vào tháng 10, tháng 11 về hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam (9/11). Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018-2022; tổng hợp, xây dựng hệ dữ liệu VBQPPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của tỉnh năm 2018. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ hộ tịch, chứng thực, kết hợp với đơn vị cung cấp phần mềm xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác bổ trợ tư pháp. Tổ chức tốt tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, tránh để xảy ra khiếu kiện phức tạp, vượt cấp nhất là trong các dịp có sự kiện quan trọng của đất nước. Tiếp tục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 18, 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII và các văn bản hướng dẫn thi hành của tỉnh, ngay sau khi có Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV ngày 22/12/2017 của  Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tư pháp thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Sở tham mưu  UBND tỉnh chỉ đạo sắp xếp tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Tư pháp./.

Văn phòng Sở

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
726033

Online 3

Hôm nay 597