Phát huy truyền thống 75 năm, Ngành Tư pháp Ninh Bình không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và phát triển

Cập nhật: Thứ sáu, 28/08/2020

Nhân kỷ niệm 75 năm truyền thống Ngành Tư pháp Ninh Bình, đồng chí Phạm Minh Thường - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp đã có bài viết với tựa đề “Phát huy truyền thống 75 năm Ngành Tư pháp Ninh Bình không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và phát triển”. Bài viết đã được đăng trên Báo Ninh Bình, số ra ngày 27/8/2020 (baoninhbinh.org.vn) và Báo Pháp luật Việt Nam, số ra ngày 26/8/2020 (baophapluat.vn).

 

          Ban Biên tập Trang tin điện tử Sở Tư pháp Ninh Bình xin trân trọng đăng tải toàn văn bài viết trên.

 

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 75 NĂM, NGÀNH TƯ PHÁP NINH BÌNH KHÔNG NGỪNG

ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐOÀN KẾT VÀ PHÁT TRIỂN

                                                          Phạm Minh Thường

                                                           Giám đốc Sở Tư pháp Ninh Bình

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra tuyên cáo trước Quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và thành lập Nội các Thống nhất quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm 12 bộ, trong đó có Bộ Tư pháp. Từ đó, ngày 28/8/1945 chính thức được công nhận là ngày Truyền thống của Ngành Tư pháp Việt Nam.

 

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, với chức năng xuyên suốt là quản lý Nhà nước về công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi và xử lý vi phạm hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; chuẩn tiếp cận pháp luật; hành chính, bổ trợ tư pháp, ngành Tư pháp Việt Nam đã bám sát thực tiễn trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước, kịp thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành và tổ chức thi hành những chính sách pháp luật quan trọng, xây dựng các thiết chế pháp luật, tư pháp phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

 

 

Việc hoàn thiện tổ chức, thể chế quản lý các lĩnh vực và hoạt động của ngành Tư pháp theo lộ trình, định hướng trong các chiến lược quốc gia và chiến lược phát triển Ngành được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, các lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của Ngành về cơ bản đã có Luật điều chỉnh. Ngành Tư pháp đã huy động khá hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội bằng việc thực hiện nhất quán và kiên trì chủ trương xã hội hóa việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp với những bước đi, lộ trình phù hợp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng ổn định của nghề luật sư, công chứng, đấu giá, bước đầu phát triển thừa phát lại, quản tài viên...; chú trọng quyền lợi hợp pháp của nhóm người nghèo, dễ bị tổn thương, yếu thế. Qua đó, góp phần đảm bảo lợi ích hài hoà của cả ba khu vực: kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và xã hội.

 

Đặc biệt, ngành Tư pháp Việt Nam đã và đang từng bước nâng tầm nhận thức lí luận, đổi mới tư duy chính trị - pháp lý trong việc nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng các chiến lược quốc gia về pháp luật, tư pháp phù hợp với Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng và các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tính dự báo và chất lượng của các chương trình lập pháp, lập quy theo các nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, cũng như việc hoạch định chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, nghề Tư pháp; xứng đáng là một cơ quan trọng yếu của Đảng, của Chính quyền trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện đường hướng phát triển lĩnh vực pháp luật và tư pháp của đất nước trong thời thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Cùng với sự phát triển và trưởng thành của Ngành Tư pháp Việt Nam, nhìn lại chặng đường gần 30 năm (từ khi tái lập tỉnh năm 1992) đến nay, ngành Tư pháp Ninh Bình dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các cơ quan, đoàn thể; sự giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là nhiệt huyết, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành (ban đầu chỉ có 10 đồng chí, đến nay tăng lên 332 người), ngành Tư pháp Ninh Bình đã và đang không ngừng phát triển, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới, giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

 

Đồng chí Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp trao Cờ thi đua xuất sắc năm 2019

 cho tập thể Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình

 

Công tác xây dựng và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tổ chức thi hành pháp luật được chú trọng nhằm nâng cao chất lượng với những giải pháp đột phá. Từ năm 2015 đến nay, Sở Tư pháp đã thẩm định 414 dự thảo VBQPPL; tham gia ý kiến 339 dự thảo văn bản theo yêu cầu của cơ quan Trung ương, HĐND, UBND tỉnh; tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền 479 văn bản QPPL; rà soát 771 văn bản của HĐND, UBND tỉnh ban hành từ 1992-2018. Đồng thời, Sở và các phòng Tư pháp cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị hàng năm soạn thảo hàng trăm văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND các cấp. Công tác tổ chức thi hành pháp luật đã có sự gắn kết với theo dõi, kiểm tra VBQPPL và xử lý vi phạm hành chính, trong đó tập trung tư vấn và tham gia giải quyết các vụ việc khó, phức tạp của địa phương về giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách xã hội và giải quyết khiếu nại, tố cáo...Do làm tốt công tác ‘tiền kiểm tra” về văn bản nên chất lượng xây dựng, ban hành văn bản của HĐND và UBND tỉnh được nâng lên rõ rệt và có tính khả thi cao.

 

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành. Nội dung, hình thức PBGDPL được đổi mới, ngày càng có hiệu quả, góp phần hình thành nếp sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân có chuyển biến rõ rệt. Năng lực vận dụng, thi hành pháp luật của đội ngũ cán bộ công chức tỉnh nhà được nâng cao. Trong 05 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức trên 17.550 hội nghị chuyên đề, hội nghị lồng ghép phổ biến pháp luật cho 1.563.353 lượt người là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; biên soạn, cấp phát 1.042.000 loại tài liệu tuyên truyền liên quan về các lĩnh vực pháp luật khác nhau; xây dựng 650 chuyên trang, chuyên mục pháp luật; phát 50.016 tin, bài trên phương tiện thông tin đại chúng...Bên cạnh đó, các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp tổ chức gần 50 hội thi, hội diễn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thu hút hàng nghìn hội viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sỹ, giáo viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Việc hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam dần trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, gắn với hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

 

Để góp phần củng cố niềm tin pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật trong nhân dân, giữ vững an ninh chính trị ngay từ cơ sở, công tác xây dựng, khai thác, quản lý tủ sách pháp luật tại xã, phường, thị trấn, công tác hoà giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được quan tâm chú trọng và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hàng năm, Sở Tư pháp bổ sung hơn 3.000 đầu sách pháp luật mới cho tủ sách pháp luật tại các xã, phường, thị trấn; thành lập, kiện toàn 1.692 tổ hoà giải, với 10.580 hoà giải viên; trong 05 năm, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 3.766 vụ việc, hòa giải thành 3.100 vụ việc (đạt 82.3%).

 

Công tác hành chính tư pháp và bổ trợ tư pháp cũng được đẩy mạnh theo hướng đơn giản hóa, công khai hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm cung cấp các dịch vụ công một cách tốt nhất cho người dân. Từ năm 2015 đến nay, ngành Tư pháp Ninh Bình đã tiếp nhận và cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 22.933 trường hợp, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em 109.093 trường hợp, đăng ký khai tử cho 29.692 trường hợp; đăng ký kết hôn 37.886 đôi; đăng ký giám hộ cho 241 trường hợp; đăng ký nhận cha, mẹ, con 549 trường hợp; thay đổi hộ tịch 1.142 trường hợp; cải chính hộ tịch 1.022 trường hợp...Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước về trợ giúp pháp lý, công chứng, chứng thực, luật sư, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại cũng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và hoạt động quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực Tư pháp.

 

Hàng năm, cùng với phong trào thi đua lập thành tích xuất sắc hoàn thành các nhiệm vụ được giao, phong trào thi đua “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được quán triệt và triển khai mạnh mẽ trong toàn ngành. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tư pháp đã chuyển hóa tư tưởng của Người vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; không ngừng rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng. Đồng thời, hưởng ứng chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua “Ngành Tư pháp Ninh Bình chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” được Ngành xác định là một nhiệm vụ quan trọng và phát động sâu rộng trong toàn Ngành. Trên tinh thần gắn với nhiệm vụ chuyên môn, hệ thống cơ quan Tư pháp 3 cấp đã đẩy mạnh các hoạt động tư pháp, phục vụ tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 

Do làm tốt công tác tham mưu và quản lý Nhà nước về về công tác tư pháp trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp Ninh Bình được các cấp, các ngành ghi nhận bằng những phần thưởng đáng quý: 02 năm liền (2018, 2019), Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp tặng Cờ thi đua xuất sắc, được của Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Ba. Nhiều năm liền, tập thể Sở được công nhận là “cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, xây dựng cơ quan văn minh, xanh, sạch, đẹp...; nhiều tập thể, cá nhân được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua, Bằng khen, Giấy khen, danh hiệu lao động tiên tiến…

 

Giữ gìn và phát huy những thành tích đã đạt được trong quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam nói chung và ngành Tư pháp Ninh Bình nói riêng, để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp giao, trong thời gian tới, ngành Tư pháp Ninh Bình tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở lần thứ IX, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đồng thời tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành theo từng năm, từng giai đoạn theo sự chỉ đạo của cấp trên. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và ý thức trách nhiệm của công chức, viên chức ngành Tư pháp. Xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thi đua thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của ngành Tư pháp trong giai đoạn mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
719653

Online 4

Hôm nay 2202