Nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2023 theo Thông báo Kết luận của Bộ trưởng Lê Thành Long tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2023

Cập nhật: Thứ năm, 10/08/2023

Ngày 08/8/2023, Bộ Tư pháp ban hành Thông báo số 50/TB-BTP về Kết luận của Bộ trưởng Lê Thành Long tại Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2023. Tại Thông báo Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà toàn ngành Tư pháp đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023, đồng thời chỉ ra các tồn tại hạn chế trong công tác tư pháp. Để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, người đứng đầu các tổ chức pháp chế, Giám đốc Sở Tư pháp và Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị; rà soát kỹ các chương trình, kế hoạch công tác hiện hành để tổ chức tập trung thực hiện và nếu cần thiết thì có điều chỉnh, bổ sung phù hợp và tăng cường các giải pháp nhằm đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, tập trung nguồn lực tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác tư pháp, trong đó quan tâm ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng về công tác xây dựng pháp luật; tham mưu Chính phủ, các Bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ưu tiên, tập trung nguồn lực cho việc xây dựng, chỉnh lý các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, 2024; các VBQPPL để triển khai thực hiện Đề án 06 và thực hiện các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính theo các Nghị quyết của Chính phủ bảo đảm đúng quy định của Luật BHVBQPPL.

2. Tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm soát thủ tục hành chính trong xây dựng VBQPPL; tiếp tục chủ động phòng ngừa, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ sau khi được ban hành. Phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật.

3. Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan tư pháp địa phương tập trung tham mưu có chất lượng, đảm bảo quy trình, tiến độ, đúng quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL đối với các dự án do Bộ, địa phương mình trình; tăng cường tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền; chủ động thực hiện nhiệm vụ rà soát VBQPPL theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm chất lượng, thời hạn theo quy định; phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL của các Bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ rà soát VBQPPL; tham mưu ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao, bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

4. Chủ động tham mưu giúp Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật. Tổ chức tốt Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai thi hành kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết, VBQPPL của cơ quan nhà nước cấp trên mới ban hành (như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…).

5. Tập trung nguồn lực, kịp thời có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu THADS được giao năm 2023. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, khắc phục triệt để tình trạng vi phạm chuyên môn nghiệp vụ; quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống THADS. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng. Theo dõi, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

6. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hợp tác với nước ngoài về pháp luật và tư pháp, triển khai hiệu quả Kế hoạch đối ngoại năm 2023. Tập trung giải quyết tốt các vụ việc tranh chấp quốc tế. Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục phát huy vai trò chủ động nghiên cứu tham mưu, cho ý kiến pháp lý đối với các vấn đề phát sinh, bảo đảm tăng cường phòng ngừa tranh chấp trong bối cảnh nước ta đang chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

7. Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao theo Đề án 06, tăng cường số hóa các dữ liệu hộ tịch, quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm việc kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu thông suốt, hiệu quả giữa cơ sở dữ liệu chuyên ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện đồng bộ các giải pháp về công nghệ thông tin, quy trình, thủ tục hành chính để thực hiện cung cấp đầy đủ, kịp thời các dịch vụ công nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, trong đó, lưu ý bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn phương thức thực hiện thủ tục hành chính. Chủ động tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tư pháp, nhất là lĩnh vực bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

9. Các đơn vị thuộc Bộ bám sát tình hình để chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, kỷ luật, kỷ cương hành chính, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu; bám sát các nhiệm vụ công tác trọng tâm, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao đúng tiến độ, chất lượng; tham mưu trách nhiệm, hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ Lãnh đạo Bộ tham gia thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ thành viên các Tổ công tác, Ban chỉ đạo liên ngành theo phân công của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

                                                                                            N.S

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
742255

Online 4

Hôm nay 1471