Ban hành Kế hoạch đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024

Cập nhật: Thứ hai, 04/03/2024

Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (TGPL), đảm bảo cho người được TGPL thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí với chất lượng tốt nhất; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về TGPL đảm bảo hiệu quả công tác đánh giá chất lượng vụ việc TGPL; xác định trách nhiệm, năng lực của tổ chức và người thực hiện TGPL trong giải quyết vụ việc TGPL thành công, hiệu quả và đảm bảo tính khách quan, độc lập trong hoạt động đánh giá. Ngày 29 tháng 02 năm 2024, Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 16/KH-STP về đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng trên bàn tỉnh Ninh Bình năm 2024.

Kế hoạch tập trung vào một số nội dung sau:

1. Đối tượng, phạm vi, tỷ lệ đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý: Đối tượng, phạm vi vụ việc được lựa chọn đánh giá chất lượng là những vụ việc đã kết thúc của Trung tâm TGPL và tổ chức tham gia TGPL được xác định theo Điều 10 Thông tư số 12/2018/TT-BTP do người thực hiện TGPL hoàn thành từ ngày 01/11/2023 đến ngày 31/10/2024. Tỉ lệ hồ sơ được đánh giá trên 10% trong tổng số vụ việc kết thúc; một vụ việc TGPL không thực hiện đánh giá hai lần.

2. Tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý dựa trên 03 tiêu chí gồm tiêu chí về trách nhiệm nghề nghiệp của người thực hiện trợ giúp pháp lý; tiêu chí về thực hiện trợ giúp pháp lý; tiêu chí về sự hài lòng của người được trợ giúp pháp lý trên cơ sở ý kiến phản hồi của người được trợ giúp pháp lý hoặc người thân thích.

3. Xếp loại chất lượng việc trợ giúp pháp lý: Vụ việc có tổng số điểm đạt từ 90 điểm trở lên xếp chất lượng tốt; Vụ việc có tổng số điểm đạt từ 70 đến dưới 90 điểm xếp chất lượng khá; Vụ việc có tổng số điểm đạt từ 50 đến dưới 70 điểm xếp đạt chất lượng; Vụ việc có tổng số điểm đạt dưới 50 điểm hoặc vụ việc mà người thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý vi phạm điều cấm quy định tại khoản 1 điều 6 của Luật Trợ giúp pháp lý xếp không đạt chất lượng.

4. Hình thức và phương pháp đánh giá vụ việc trợ giúp pháp lý: Hình thức đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng được thực hiện trên từng hồ sơ vụ việc TGPL kết thúc để xác định vụ việc TGPL thành công, hiệu quả. Kết quả xác định vụ việc tham gia tố tụng thành công được đánh giá thể hiện bằng văn bản. Phương pháp đánh giá: Trực tiếp kiểm tra, nghiên cứu, xem xét hồ sơ vụ việc TGPL đã kết thúc được lựa chọn ngẫu nhiên trên cơ sở vào Sổ (bảng) thụ lý, theo dõi vụ việc TGPL do Trung tâm TGPL và tổ chức tham gia TGPL cung cấp; trực tiếp trao đổi, làm việc để nghe ý kiến phản hồi của người đã thực hiện vụ việc TGPL; nghiên cứu các ý kiến phản ánh, kiến nghị bằng văn bản (nếu có) hoặc trực tiếp làm việc nghe ý kiến phản hồi của người được TGPL hoặc người đại diện hợp pháp của họ và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Mỗi vụ việc TGPL có ít nhất 02 thành viên đánh giá, kết quả đánh giá là điểm trung bình do các thành viên thực hiện.

Kế hoạch cũng nêu rõ Phòng Hành chính và Bổ trợ tư pháp có trách nhiệm tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Quyết định thành lập Hội đồng đánh giá; phân công nhiệm vụ, hoạt động của Hội đồng đánh giá; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo quy định tại Thông tư số 12/2018/TT-BTP, Thông tư số 03/2021/TT-BTP, Thông tư số 10/2023/TT-BTP.

Đối với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý cung cấp, tổng hợp toàn bộ hồ sơ vụ việc TGPL đã hoàn thành từ ngày 01/11/2023 đến hết ngày 31/10/2024 và báo cáo bằng văn bản gửi về Hội đồng đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý trước ngày 05/11/2024; tổng hợp đánh giá và tham mưu xây dựng báo cáo đánh giá để báo cáo Sở Tư pháp và Cục Trợ giúp pháp lý./.

 

Ninh Thị Hà

Trung tâm TGPL Nhà nước

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
732355

Online 2

Hôm nay 971