Hội nghị tổng kết công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

Cập nhật: Thứ sáu, 19/01/2024

Sáng ngày 18/01/2024, tại hội trường Sở Tư pháp, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Ninh Bình (Hội đồng phối hợp liên ngành) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phối hợp về trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hoạt động tố tụng năm 2023 và triển khai công tác năm 2024. Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Thường - Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành; đồng chí Bùi Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng; các đồng chí là Lãnh đạo đại diện các cơ quan thành viên Hội đồng phối hợp liên ngành; Đoàn Luật sư tỉnh; Lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện; Lãnh đạo phòng Tham mưu Công an tỉnh; Văn phòng Toà án nhân dân tỉnh; Sở Tài chính; Phòng Hành chính và Bổ trợ Tư pháp - Sở Tư pháp; Tổ giúp việc của Hội đồng phối hợp liên ngành; Lãnh đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư ký hợp đồng của Trung tâm TGPL; các Phóng viên báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh dự đưa tin, bài.

     

Hội nghị đã thông qua báo cáo kết quả công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Theo đó, kết quả công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2023 có sự đột phá tích cực, số lượng vụ việc, đối tượng được trợ giúp pháp lý tăng cao. Theo số liệu thống kê, từ 01/01/2023 đến 31/12/2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, tham gia tố tụng bào chữa, bảo vệ cho 342 lượt người thuộc diện TGPL (tăng 239 lượt, đạt 332,03% so với năm 2022), trong đó có 312 vụ việc hình sự; 25 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; 05 vụ việc hành chính; đã hoàn thành 275 vụ việc TGPL và đánh giá thành công hiệu quả 87 vụ việc theo Bộ tiêu chí của Bộ Tư pháp; Số người bị buộc tội, bị hại, đương sự thuộc diện TGPL do các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, tiếp nhận và thông báo cho Trung tâm TGPL: 377 vụ việc (trong đó có 335 vụ việc công dân có yêu cầu TGPL; 42 vụ việc công dân không yêu cầu được TGPL); công dân đến Trung tâm yêu cầu TGPL: 07 vụ việc. Trong năm 2023, Hội đồng phối hợp liên nghành đã chỉ đạo Trung tâm TGPL cấp phát 3.000 quyển cẩm nang và 3.200 tờ thông tin pháp luật về TGPL cho các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản hướng dẫn công tác phối hợp về TGPL và cung cấp các biểu mẫu TGPL (đơn yêu cầu TGPL, tờ thông tin TGPL), cẩm nang pháp luật về TGPL cho UBND, công an xã, phường, thị trấn tiếp nhận thông tin TGPL tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác phối hợp liên ngành vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như vẫn còn tình trạng một số cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chưa nhận thức đúng về hoạt động TGPL nên việc giải thích cho người được TGPL quyền TGPL chưa đầy đủ, thấu đáo dẫn tới việc đối tượng được TGPL chưa thật sự hiểu hết quyền lợi của mình nên không yêu cầu TGPL; chưa quan tâm đến việc giải thích, thông báo thông tin về TGPL cho các đối tượng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan hoặc các đối tượng khác, mà chủ yếu quan tâm đến các đối tượng là bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự, do vậy vẫn còn tình trạng bỏ sót diện người được TGPL; việc thống kê vào Sổ theo dõi vụ việc TGPL tại một số cơ quan chưa đúng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT; chưa gửi đầy đủ thông tin TGPL bằng văn bản cho Trung tâm TGPL; một số Bản án chưa ghi nhận đầy đủ ý kiến của người thực hiện TGPL…

 Tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2024, đồng thời trao đổi thảo luận về một số nội dung như: Thực tiễn về công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng ở cơ quan, đơn vị, địa phương; chất lượng thực hiện vụ việc TGPL; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong quá trình thực hiện TGPL.

      

Hội nghị cũng đã tiến hành Lễ ký kết “Chương trình phối hợp về trực TGPL trong điều tra hình sự” giữa Công an tỉnh và Sở Tư pháp; “Quy chế phối hợp về thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh” giữa Tòa án nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp; “Quy chế phối hợp về hoạt động TGPL của Luật sư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” giữa Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Thường - Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng phối hợp liên ngành đánh giá cao kết quả công tác phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng năm 2023, đồng thời đề nghị các cơ quan thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành và Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cần tăng cường phối hợp nhiều hơn nữa về TGPL trong hoạt động tố tụng năm trong 2024 nhằm đảm bảo 100% số vụ việc có các đối tượng thuộc diện được TGPL đều được TGPL. Việc ký kết các Chương trình và Quy chế phối hợp cũng có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ tiếp tục củng cố, tăng cường mối quan hệ giữa các ngành thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao mà còn giúp người dân tiếp cận sớm với TGPL để thực hiện hóa quyền được TGPL của mình đã được pháp luật quy định, góp phần đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận pháp luật cho người được TGPL./

Ninh Thị Hà

Trung tâm TGPL Nhà nước

Liên kết Website
Bình chọn
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
Thống kê truy cập
Tổng số lượt truy cập
734722

Online 6

Hôm nay 1510